Con người thường bị thu hút bởi thứ gì thú vị và đẹp đẽ, và có xu hướng “trốn” làm những việc có vẻ chán nản, mệt mỏi. Bởi vậy, khi cần tập trung hết sức để hoàn thành việc gì, bạn lại làm những thứ không liên quan như xem phim hay chơi game. Hoặc đầu óc cứ lơ lửng trên mây, hoặc cố làm nhiều việc một lúc, nhưng mãi chẳng có việc nào xong. Nên bạn cố tìm cách để tăng Productivity (hiệu quả làm việc, học tập) của mình.

Chúng ta có thể đọc hàng ngàn bài về Productivity, xem hàng trăm video về cách tăng Productivity, và thử qua hàng tá những hệ thống giúp ta quản lí Productivity (Notion, Trello…). Nhưng rất có thể, bạn luôn thấy từng ngày trôi qua mà mình chưa hoàn thành xong việc gì.

Định kiến về productivity

Người ta thường định kiến Productivity gắn với cái gì to tát, chỉ dành cho doanh nhân, người thành công, một ngày 24 giờ không đủ. Nhưng ai trong số chúng ta cũng cần hiểu và biết về productivity, để kiểm soát và sử dụng thời gian của chính mình một cách hiệu quả. Sẽ thật tốt nếu bạn để ý đến thời gian của mình và dành thời gian cho những hoạt động thực sự khiến bạn hạnh phúc và phát triển.

Tại sao phải quan tâm đến productivity?

Có thể nhiều người tiêu cực sẽ dè bỉu khi bạn xem một series phim nhiều giờ liền, nhưng ai trong chúng ta cũng sẽ có những ngày như thế. Nếu bạn quan tâm đến productivity, bạn sẽ có thể tự hỏi mình đang làm gì. Điều bạn đang làm có khiến cho bạn cảm thấy thực sự vui vẻ không, hay là thấy tội lỗi nhiều hơn? Bạn có thể quyết định được mình có nên tiếp tục làm điều đó, hay là đi làm việc khác. Chúng ta không cần ai phán xét để tìm ra được bản thân mình cần gì, mà chính chúng ta tự nhận ra những gì cần làm.

Cốt lõi của productivity

Thực ra, productivity là một thứ rất giản đơn. Bản chất của nó chẳng qua là sự tập trung và kỉ luật bản thân. Ta tập trung hoàn toàn vào một việc gì đó để đạt được mục tiêu, hoàn thành nó và tiếp tục làm những việc khác.

Chúng ta có thể đổ lỗi rằng các thiết bị điện tử, mạng xã hội, tin tức khiến tâm trí lúc nào cũng không yên. Nhưng việc tìm lại và rèn luyện khả năng tập trung của chính mình là việc cần thiết. Nhưng bằng cách nào? Làm việc theo phương pháp Pomodoro? Tắt điện thoại? Xóa mạng xã hội? Tất cả chỉ mang tính tạm thời. Mọi thứ vẫn chỉ nằm ở cốt lõi là ở chính trong suy nghĩ và hành động của bản thân mà thôi.

Nói thì dễ, nhưng làm thì khó. Tôi cũng rất nhiều lần thất bại trong việc kiểm soát chính mình, và việc rèn kỉ luật của bản thân là việc mỗi ngày phải đối mặt. Nhưng tôi vẫn luôn luyện tập nhìn nhận, để ý đến những cảm xúc trong đầu mình, chấp nhận chúng và luôn cố gắng để rèn kỉ luật bản thân.

Không có một cách nào mang lại cho bạn hiệu suất 100% và ngày nào cũng bừng bừng cảm hứng. Nhưng có một số cách khiến cho bạn nhìn rõ hơn về con đường mình đi, và kiên định hơn đối với hành động của mình.

5 tips để tăng productivity

Xác định được mục đích của mình

Bạn nên suy nghĩ về việc mình cố gắng tăng hiệu quả làm việc để cho mục đích gì? Liệu có phải là để giúp cuộc sống hay bản thân bạn tốt hơn? Hay vì một người mà bạn yêu thương? Nếu cứ nghĩ mình phải năng suất lên đi, làm 10 tiếng 1 ngày đi, thì rõ ràng là bạn chạy nhưng ko biết chạy đến vạch đích nào.

Nếu bạn quan tâm đến việc tăng năng suất chỉ vì bạn bắt chước theo một ai đó mà mình ngưỡng mộ, thì sự cố gắng sẽ không được dài lâu. Chính mục tiêu của việc mà bạn làm mới là yếu tố khiến bạn thấy việc mình làm có ý nghĩa và giúp bạn tiếp tục.

Cố gắng tìm yếu tố “vui”

Hầu hết những việc mà ta muốn làm một cách hiệu quả là những việc khó khăn hoặc dễ làm bạn chán nản. Điều đó làm chúng ta cảm thấy muốn “tìm vui”. Đơn cử là khi bạn học bài ôn thi hay chạy deadline, bạn dễ bị cuốn vào việc xem phim, lướt mạng hay những thứ linh tinh không liên quan. Hãy cố gắng tìm yếu tố trong công việc khiến bạn thấy vui vẻ.

Bạn có thể tự pha một món đồ uống mà bạn thích, hay tự thưởng cho mình một ván game, một tập phim sau khi hoàn thành công việc. Có thể là cùng ngồi học với một người bạn, hoặc người bạn yêu thương. Dọn dẹp bàn cho gọn gàng, tìm một quán cà phê đẹp đầy cảm hứng. Làm những điều khiến bản thân bạn thấy vui vẻ, cho dù nó có vẻ ngớ ngẩn trong mắt người khác. Đây là những điều tôi hay làm để tự tạo niềm vui trong công việc, học tập.

Không phải việc gì quan trọng cũng là điều chúng ta yêu thích và khiến ta cảm thấy vui vẻ, nhưng ta có thể quyết định thái độ của mình đối với việc đó. Trước sau gì cũng phải hoàn thành, nên hãy cố tìm và tạo ra những yếu tố vui vẻ khiến mình có động lực hoàn thành hơn.

Viết ra những gì mình cần làm

Mỗi khi biết mình cần phải làm điều gì không thoải mái và đang chuẩn bị “trốn chạy”, bạn hãy viết ra việc đó. Vào sổ, vào một tờ giấy note, vào một app nhắc nhở trên điện thoại. Và đơn giản là bắt tay vào làm thay vì lảng tránh cho đến phút chót. Chắc chắn sẽ có những phút giây thấy sợ hãi và chán nản kinh khủng không chịu được. Hãy chấp nhận những suy nghĩ đó, hít thở một chút, và vẫn tiếp tục làm.

Viết ra suy nghĩ, cảm xúc của bản thân

Hãy dành thời gian viết tất cả những gì đang diễn ra trong đầu mình mỗi ngày. Nếu cảm thấy mình đang lười biếng, hãy viết “Tôi cảm thấy lười biếng”. Điều này sẽ giúp bạn nhìn rõ hơn về tâm tư sâu kín của chính mình, từ đó biết được điều gì cần làm tiếp theo. Và nếu tần suất bạn viết quá nhiều câu “Tôi cảm thấy lười biếng”, có lẽ bạn sẽ tìm ra được một động lực để tự thay đổi.

Hiện tôi đang tập viết journal đều đặn mỗi buổi sáng. Có người gọi đây là morning pages. Những ý nghĩ, tình cảm, lo lắng gì hiện lên trong đầu đều được tôi ghi lại. Không chỉnh sửa, không cố gắng trau chuốt, không chỉ chắt lọc những lời hay ý đẹp. Đôi lúc đọc lại tự thấy mình ngớ ngẩn, nhưng tâm trí tôi cũng quang đãng hơn rất nhiều. Có những ý nghĩ nếu không ghi ra thì tôi cũng chẳng bao giờ để ý đến và giải quyết chúng.

Luôn tự check in với bản thân

Trong từ điển Cambridge, “check in” có một nghĩa là:

to contact someone by making a phone call, short visit, etc., usually in order to make sure there are no problems or to tell them that there are no problems

Có nghĩa là liên lạc để hỏi thăm và để chắc chắn rằng người kia vẫn ổn.

Đừng chỉ tập trung nhiều giờ mỗi ngày để lao đầu vào công việc hay bài vở. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi, tự check in với chính mình—hỏi thăm xem mình có ổn không (về mặt thể chất lẫn tinh thần).

Bạn sẽ không thể hoàn hảo và lúc nào cũng hoàn thành hết được tất cả đầu việc cần làm mỗi ngày. Sẽ có những lúc buồn nản ập đến, và bạn chẳng muốn động tay động chân vào bất cứ một thứ gì cả. Nhưng hãy luôn tự để ý đến suy nghĩ, cảm xúc của chính mình, chấp nhận nó và tìm cách giải quyết.


Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nếu thấy blog hữu ích, bạn có thể ủng hộ bằng ly cà phê qua Momo hoặc Buy me a coffee.