Khi mọi thứ xung quanh trở nên bừa bộn, chúng ta sẽ thấy chán nản, trì trệ và quá tải.

Là một neat freak, tôi bị ám ảnh bởi việc sắp xếp mọi thứ. Dưới đây là một số mẹo sắp xếp, tổ chức đã thu thập được trong quá trình bị ám ảnh đó. 😆

Nếu bạn cũng quan tâm đến việc tổ chức lại cuộc sống bừa bộn của mình, hãy đọc tiếp để xem có gì áp dụng cho bản thân không nhé.

5 nguyên tắc sắp xếp cuộc sống

Trước khi đi cụ thể vào từng mặt cần sắp xếp của cuộc sống, có một số nguyên tắc chung sau:

1. Tôn trọng cơ thể và ý thích của bản thân

Chắc hẳn bạn cũng đã quen với khái niệm cú đêm và chim sớm. Thực ra có 4 loại chronotypes (xu hướng tự nhiên về việc ngủ và thức của mỗi người trong ngày):

  • Cá heo: rất tỉnh ngủ và dễ bị đánh thức, năng suất nhất vào tầm 15h-21h.
  • Sư tử: ngủ sớm, dậy sớm, năng suất nhất vào tầm 8h-12h.
  • Gấu: mức năng lượng đi theo mặt trời, năng suất nhất vào ban ngày, tầm 10h-2h.
  • Sói: sống về đêm, ngủ trễ, dậy trễ, năng suất nhất vào tầm 17h-0h.

Biết được về loại chronotype của mình có thể giúp bạn tìm ra khoảng thời gian nào mình hoạt động hiệu quả nhất, thay vì đi theo một tiêu chuẩn chung là phải ngủ sớm, dậy sớm làm việc.

Ngoài lắng nghe cơ thể, hãy tôn trọng cả ý thích của bản thân nữa. Ví dụ, nếu bạn không thích tập những bài cường độ cao mệt mỏi, bạn có thể tập những bài nhẹ nhàng hơn, hoặc chơi môn thể thao khiến bạn vui vẻ thoải mái hơn. Nếu bạn không thích đọc, bạn có thể xem và nghe.

Tôi nghĩ đây là một mẹo đơn giản nhưng lại hiệu quả. Tôi chưa bao giờ có thể duy trì được thứ mình ghét phải làm lâu dài. Có thể cắn răng chịu đựng một thời gian, nhưng để làm nó mãi mãi, thì không.

2. Lên kế hoạch trước

Lên kế hoạch trước sẽ giúp bạn sắp xếp, tổ chức cuộc sống của mình tốt hơn. Hãy lên kế hoạch theo tuần và ngày để những việc quan trọng luôn được giải quyết kịp thời. Để không bị quên lãng đi việc lên kế hoạch, bạn có thể dành thời gian cố định mỗi tuần/ngày cho nó.

3. Xây dựng thói quen tốt và đưa chúng vào routine

Những thói quen tốt khiến cuộc sống và tâm trạng đỡ hơn rất nhiều. Ngược lại, những thói quen xấu ăn mòn sức khỏe, thời gian, tâm trạng của chúng ta.

Hãy xem lại bản thân đang có thói quen nào nên giữ, thói quen nào nên từ bỏ, và nghĩ về những thói quen muốn duy trì.

Để duy trì được thói quen tốt là điều không dễ dàng, vì thế bạn cần đưa từ từ, dần dần mỗi thứ vào trong routine hàng ngày của bạn.

4. Dọn dẹp

Một lời khuyên luôn đi kèm với việc sống có tổ chức, ngăn nắp hơn đó là dọn dẹp. Khi có quá nhiều thứ phải bận tâm, phải làm, phải giải quyết, bạn sẽ luôn cảm thấy nặng nề, bừa bộn, và đôi khi quên mất những việc quan trọng nữa.

Bạn cần dọn dẹp không gian bên ngoài, không gian số, và cả tâm trí.

Đối với không gian bên ngoài, bạn hãy:

  • Dọn dẹp nơi học tập, làm việc, phòng ốc, tủ quần áo, các khu vực chung trong nhà.
  • Cho, bán, quyên góp, tái chế, hoặc vứt đi những thứ không dùng.

Không gian số:

  • Giải quyết, xóa, phân loại: files, tasks, folders, những thứ bạn download về, apps, hình ảnh…

Tâm trí, tinh thần:

  • Luôn ghi chép những điều nảy ra trong đầu và những thứ quan trọng, để bạn không quên chúng và cũng không phải bận tâm đến chúng cả ngày.
  • Tập thở, thiền, journal.
  • Nói ra những điều cần nói thay vì tích lũy thành cơn giận.

5. Tận dụng công nghệ, máy móc tự động

Bạn có thể dùng công nghệ, máy móc để tự động hóa một số việc lặp đi lặp lại, để không cần phải làm thủ công nữa. Một số thứ thủ công sẽ dễ sai sót hoặc mất thời gian không đáng.

Bạn có thể:

  • Sử dụng các loại máy thông minh cho việc nhà (như robot hút bụi).
  • Dùng app tính toán chi tiêu thay vì ghi chép thủ công.
  • Đăng kí tự động thanh toán hóa đơn để mỗi tháng không phải trả thủ công nữa.
  • Học cách sử dụng những công cụ automation như Zapier hay IFTTT.

Áp dụng 5 nguyên tắc vào các mặt trong cuộc sống

Hãy xem bạn có thể áp dụng các nguyên tắc trên vào Công việc, Nhà cửa, và Bản thân thế nào nhé.

Công việc

Dọn dẹp

  • Luôn dọn dẹp không gian làm việc, hộp thư, giấy tờ, v.v.
  • Cuối ngày, xem lại danh sách tasks, coi cái nào làm rồi, cái chưa làm thì khi nào làm, cái nào chuyển sang ngày mai làm.

Lên kế hoạch

  • Ghi ra 3 tasks quan trọng nhất mỗi ngày và tập trung giải quyết chúng đầu tiên.
  • Lên kế hoạch thời gian cho deep work và shallow work. Nhớ ưu tiên thời gian cho deep work vào lúc bạn tỉnh táo nhất trong ngày. Khi giải quyết xong việc quan trọng rồi, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn để làm những việc nhỏ còn lại.

Tôn trọng cơ thể và ý thích

Bạn nên ưu tiên việc cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân bằng cách:

  • Ngủ đủ giấc theo đồng hồ sinh học của bản thân.
  • Làm việc tập trung trong giờ làm, hết giờ thì không tham công tiếc việc nữa.
  • Dành thời gian giải trí vào cuối tuần, hoặc đi du lịch, nghỉ dưỡng.
  • Tránh trả lời email hay tin nhắn công việc ngoài giờ làm nếu không phải chuyện khẩn cấp.

Dùng công cụ tự động

Xem xem những việc nào lặp đi lặp lại hoài và tìm cách để tự động hóa chúng. VD như dùng Zapier để đẩy email thành task trong Todoist…

Nhà cửa

Dọn dẹp

  • Quyên góp, bán, hoặc vứt đi những thứ không dùng
  • Bỏ đồ hết hạn đi
  • Dọn bớt xoong nồi, hộp, chai lọ…

Tạo thói quen làm việc nhà

Một số thói quen nhỏ giúp cho nhà cửa đỡ bừa hơn và khi dọn cũng khỏe hơn:

  • Dọn giường sau khi thức dậy
  • Rửa chén ngay sau khi ăn
  • Lau dọn nhà 2 lần/tuần
  • Dọn sâu (deep cleaning) mỗi tháng
  • Cất đồ đi ngay sau khi dùng
  • Bàn bạc và chia sẻ việc nhà với tất cả các thành viên gia đình.

Bản thân

Sức khỏe

Ưu tiên sức khỏe

Ai cũng biết sức khỏe là điều quan trọng, nhưng phần lớn lại lãng quên nó. Khi bận rộn, stress, buồn rầu, chúng ta lại càng dễ coi thường việc giữ các thói quen lành mạnh cho cơ thể.

Một số điều mà tôi vẫn đang cố luyện tập (vì nó khó duy trì kinh khủng 😂): Ăn những món lành mạnh và vận động thường xuyên.

Chọn chế độ ăn và tập luyện phù hợp
  • Lên kế hoạch tập luyện thể dục thể thao mỗi tuần
  • Chọn môn thể thao bạn thích thay vì thứ mà ai cũng làm.
  • Ăn loại rau mà bạn thích thay vì nhắm mắt nhắm mũi ăn thứ bạn ghét.
  • Không quá cứng nhắc, cho phép bản thân được ăn một bữa thoải mái hoặc nghỉ tập 1 hôm.

Sở thích

Ghi ra những sở thích muốn phát triển. Nếu sở thích đó cần luyện tập, có thể ghi ra những điều muốn học để dễ dàng xem lại quá trình hơn.

Trong quyển Digital Minimalism có đề xuất lên kế hoạch và mục tiêu cụ thể cho những sở thích của bản thân, tuy nhiên tôi không muốn lên kế hoạch quá cụ thể vì muốn giữ niềm vui và ngẫu hứng cho sở thích của mình.

Công nghệ

Dọn dẹp

  • Sắp xếp lại thanh bookmark trên web.
  • Đọc hết danh sách những bài đã lưu, bỏ đi những thứ không đọc.
  • Bỏ theo dõi những email mình chẳng bao giờ mở ra.
  • Sắp xếp lại ảnh, files… trên máy tính vào các thư mục.
  • Xóa các app ít dùng trên điện thoại.

Xây dựng thói quen tốt

  • Tránh lướt mạng cả ngày hay bất cứ khi nào rãnh rỗi.
  • Tránh tiêu thụ thông tin quá nhiều để không bị quá tải.

Gia đình, bạn bè, tình cảm

Lên kế hoạch và thời gian cho việc gặp gỡ

  • Hãy lên kế hoạch gặp gỡ với những người mà bạn quan tâm thay vì đợi chờ, đùn đẩy cho người khác sắp xếp. Các cuộc hẹn hò không thể tự sắp xếp được. Thời gian cũng không tự chừa một khoảng cho các bạn gặp nhau được.
  • Dành thời gian chất lượng bên nhau nhiều hơn: cùng xem TV, nấu ăn, tập thể dục, làm việc nhà…
  • Gặp mặt, gọi điện, nhắn tin (nhưng hãy chắc chắn là bạn đang thực sự kết nối).

Tài chính

Tiền không thể mua được hạnh phúc, nhưng nó mua được những thứ khiến bạn hạnh phúc. Nhưng cũng phải hạn chế săn sale Shopee vì mỗi lần như thế chỉ còn cái nịt 🤣.

Theo dõi chi tiêu

  • Theo dõi, ghi chép, tính toán các khoản thu nhập, chi phí, nợ, tiết kiệm của bạn.
  • Tập thói quen theo dõi chi tiêu, dành ra một khoản hàng tháng để tiết kiệm và đầu tư. Dù để dành một khoản nhỏ chẳng là bao, nó sẽ tích lũy và lớn dần.
  • Lập ngân sách (budgetting) và chỉ xài trong khoản đó, không xài lố.

Tự động hóa

  • Đăng kí tự động chuyển một phần tiền vào tài khoản tiết kiệm hoặc đầu tư mỗi tháng.
  • Đăng kí tự động thanh toán hóa đơn.
  • Dùng app để lập budget và theo dõi chi tiêu (tôi đang dùng Money Lover).

Sắp xếp, tổ chức cuộc sống để không bị quá tải

Sắp xếp lại cuộc sống cho gọn gàng hơn không chỉ đơn thuần là dọn lại nhà hay xóa vài cái email trên điện thoại. Nó là một lối sống và một quá trình lâu dài. Khi mọi thứ ngăn nắp, rõ ràng, bạn ít bị vướng bận bởi những bừa bộn, thừa thãi, ít bị quá tải, và ít bị mất tập trung khỏi những điều thực sự quan trọng.

Trong quyển The Happiness Project, tác giả có đề cập đến định nghĩa hạnh phúc, rằng hạnh phúc là biết được mình đang phát triển. Bằng việc sắp xếp lại cuộc sống, bạn đang phát triển chính bản thân mình, và cũng đang giúp cho bản thân hạnh phúc hơn.

Tất nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng có thể chỉn chu, ngăn nắp được. Sẽ có những ngày ta cảm thấy không muốn đụng đến bất cứ cái gì và mặc kệ mọi thứ bừa ra đó. Nhưng khi ngày đó qua đi, hãy quay trở lại với việc sắp xếp nhé.


Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nếu thấy bài hữu ích, bạn có thể ủng hộ blog bằng ly cà phê qua Momo hoặc Buy me a coffee.