Journaling là một hình thức ghi xuống tất cả suy nghĩ, cảm xúc, sự kiện xảy ra trong cuộc sống. Có người viết để lưu lại kỉ niệm, có người tìm một nơi trút tâm sự để nhẹ lòng hơn. Có người phải làm hẳn bullet journal trang trí rất đẹp để có cảm hứng hơn, có người chỉ đơn giản viết ra những gì hiện lên trong đầu thôi.

Viết là việc tôi luôn thích làm, nhưng nhiều khi bận rộn và mệt mỏi lại bỏ dở. Dạo gần đây, khi tinh thần không tốt lắm, tôi tìm lại với journaling và cũng để tìm lại chính mình.

Cũng trùng hợp, khoảng thời gian này, tôi đang đọc quyển The Artist’s Way của Julia Cameron. Quyển sách viết về “morning pages” – những trang viết buổi sáng – cũng tương tự như journal. Tôi có thêm cảm hứng, và chịu khó viết ra tất cả những gì trong đầu mình đều đặn hơn.

Lợi ích của journaling

Trước đây tôi trộm nghĩ, có phải con nít đâu mà viết nhật kí. Cảm thấy kì quặc sao đó khi ngồi viết ra mình làm gì, nghĩ gì, đang cảm thấy vui hay buồn. Và nghe cũng sến sến nữa. Lỡ ai đọc thì…quê chết.

Sau này, vô tình đọc được một số bài về lợi ích và ứng dụng của journaling, cộng thêm suy nghĩ của tôi cũng thay đổi so với ngày trước, tôi tập viết journal nhiều hơn.

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy viết về suy nghĩ, cảm xúc hàng ngày có tác dụng tăng trí nhớ, sự tự tin, chữa lành tâm lí, thậm chí là tăng hệ miễn dịch. Bạn có thể đọc thêm tại đây.

Đối với tôi, viết journal là khi tôi trút hết những buồn bã, giận dữ, mệt mỏi. Nhìn lại những dòng chữ viết vội, ngắt quãng, tôi cảm thấy trong lòng nhẹ đi một phần.

Quyển journal của tôi là một kho suy nghĩ rối ren. Từng suy nghĩ, con chữ đan xen, ngổn ngang, lộn xộn. Những câu từ ngắt quãng, không trau chuốt, màu mè. Nhưng nhờ sự lộn xộn đó mà tôi cảm thấy đầu óc mình được tổ chức hơn. Tôi dần yêu thích sự hỗn độn này, vì biết đây là nơi tôi được tự do thể hiện suy nghĩ. Tôi không phải dè chừng, lựa chọn câu từ, hay sợ mất lòng ai.

Từ khi viết journal, tôi quan tâm nhiều đến bản thân mình hơn. Tôi nghĩ nhiều đến những thứ trong cuộc sống, đến những khó khăn và mình là người thế nào. Có khi nó làm tôi yên lòng, có khi lại khiến tôi rối trí và lo lắng. Có những vấn đề, nỗi sợ hãi luôn âm ỉ sâu kín mà nếu tôi không suy ngẫm và viết về chúng, tôi sẽ mãi né tránh và chẳng bao giờ nghĩ cách giải quyết. Tôi tin rằng, khi mình chịu viết ra, mình sẽ dần dần hiểu bản thân và biết được mình cần gì.

Có những ngày bạn sẽ cảm thấy rất tệ. Mọi thứ có thể sẽ được giải quyết ổn thỏa, hoặc cũng có thể bạn phải ngậm đắng nuốt cay mà vượt qua. Bằng việc ghi lại những ngày tệ như thế, sau này bạn có thể đọc lại mà nhận ra rằng mình đã từng mạnh mẽ đến như nào.

Viết journal về điều gì?

Đây là câu hỏi mà chắc chắn ai cũng trải qua khi nhắc đến việc viết journal. Bản thân tôi, sau một thời gian viết, cũng vẫn hỏi mình câu này. Có những ngày đầu óc trống rỗng, không biết viết về điều gì. Có ngày cảm hứng tuôn trào, cả nghìn chữ cứ viết ra dễ như không.

Bạn có thể tìm journal prompts để viết theo. Chúng là những câu hỏi gợi ý để bạn viết. Nhưng nếu dùng các gợi ý, hãy chắc chắn là bạn không cảm thấy như đang “trả bài”. Mục đích của journal không phải là luyện tập làm văn, mà là để cho suy nghĩ tuôn ra một cách tự nhiên nhất. Tôi luôn thấy có gì đó gò bó mình khi phải trả lời những câu hỏi nhất định. Tôi để suy nghĩ tự nảy sinh, và cứ thế viết xuống thôi.

Viết journal vào đâu?

Việc lựa chọn nơi để gửi gắm suy nghĩ của mình là tùy ở bạn. Sổ giấy và bút mực, điện thoại, laptop, máy tính bảng, máy ghi âm. Hãy chọn thứ phù hợp và tiện lợi nhất và khiến bạn muốn viết nhất. Thứ khiến bạn bắt đầu viết.

Tôi bắt đầu viết journal vào khoảng 4 năm trước, khi làn sóng bullet journal còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Nhưng lúc đó, tôi bị cuốn vào việc trang trí sổ nhiều hơn là nghiêm túc tìm hiểu suy nghĩ của bản thân mình. Sau này, tôi không còn quan trọng việc phải có một bullet journal hay journal nữa, mà chỉ đơn thuần nghĩ mình cần một nơi để viết.

Tôi là người yêu bút, mực, giấy, nhưng phần lớn thời gian tôi viết journal trên Obsidian. Lí do là vì tôi có thể viết ở bất cứ đâu, bằng bất cứ thiết bị nào, lưu trữ cũng dễ dàng hơn, và đánh máy cũng nhanh hơn là viết tay. Thi thoảng, tôi cũng bơm mực bút và hí hoáy vài dòng vào sổ tay mình, cũng là một cách thư giãn.

Nếu bạn chưa biết viết vào đâu là phù hợp nhất, hãy thử nghiệm các hình thức khác nhau.

Viết journal khi nào và bao lâu?

Không có một công thức hay quy định thời gian nào cho việc viết journal. Bạn có thể dành 10-20 phút mỗi sáng sớm hoăc tối muộn để viết. Bạn cũng không cần phải viết mỗi ngày. Nếu đang buồn rầu, thì việc viết về nỗi buồn đó mỗi ngày có lẽ là điều chúng ta không muốn làm nhất.

Nếu journal không hề khiến bạn cảm thấy tốt hơn, hãy tìm những biện pháp khác. Hãy gặp chuyên gia tâm lí, gặp bạn bè, hoặc làm điều bạn thích để cảm thấy nhẹ lòng hơn.

Viết journal cũng là một cách chăm sóc bản thân hiệu quả. Cho dù nó có giúp tinh thần bạn ổn hơn hay không, thì ít ra bạn cũng có một nơi lưu giữ những kỉ niệm trong cuộc sống. Biết đâu được, khi viết journal, bạn lại nảy ra những ý tưởng mới hay ho thì sao?


Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nếu thấy blog hữu ích, bạn có thể ủng hộ bằng ly cà phê qua Momo hoặc Buy me a coffee.