Mấy tuần qua, tôi có đọc quyển How To Take Smart Notes của tác giả Sönke Ahrens. Quyển sách cho tôi cái nhìn khá mới lạ về phương pháp ghi chép Zettelkasten và cách sử dụng slip-box của Niklas Luhmann, một nhà xã hội học nổi tiếng người Đức. Ông đã viết hơn 70 cuốn sách và hàng nghìn bài viết học thuật nhờ vào phương pháp ghi chép này. Bài viết này là vài ý nghĩ về quyển sách.
Ai nên đọc?
Tựa sách đầy đủ của quyển này là “How to Take Smart Notes: One Simple Technique to Boost Writing, Learning and Thinking – for Students, Academics and Nonfiction Book Writers”, tức là nó dành cho học sinh, sinh viên, nhà học thuật, và các tác giả viết sách.
Theo tôi, sách rất có ích cho những người làm trong lĩnh vực nghiên cứu, cần đọc nhiều, thu thập thông tin từ nhiều nơi. Quyển sách cũng phù hợp nếu bạn là người yêu thích đọc và ghi chú. Sách chứa đựng nhiều thông tin gần gũi giúp ích cho chúng ta học tập, làm việc hàng ngày nên dù bạn là ai đọc cũng sẽ không thừa.
Sách không đào sâu vào cách ứng dụng phương pháp mà thiên về phân tích hơn, nên nếu bạn chỉ muốn một quyển sách ứng dụng thực hành thì quyển này có lẽ sẽ không phù hợp.
Theo cảm nhận của cá nhân, sách không hề khô khan mà khá dễ đọc. Có đôi chỗ đề cập đến những nghiên cứu mang tính chuyên sâu thì cũng cần tra từ điển một chút, nhưng do tôi đọc trên Kindle nên tra từ cũng dễ dàng.
How To Take Smart Notes đi sâu vào phương pháp ghi chép Zettelkasten, một phương pháp đơn giản để ứng dụng nhưng khó ở việc duy trì. Sau khi đọc xong thì tôi rút ra được một số bài học sau đây.
3 loại notes nên ghi
Khi suy nghĩ và đọc tài liệu hay sách vở, bạn sẽ cần ghi chú 3 loại notes:
Fleeting note (Note nhanh, rời rạc)
Đây là những ghi chú vội, đơn giản là ý tưởng thế nào thì chúng ta viết xuống thế ấy. Có thể là những ý nghĩ đến bất chợt khi bạn chuẩn bị ngủ, tập thể thao, tắm, ăn. Bạn có thể luôn đem theo sổ tay để tiện viết vào, note vội trên điện thoại, hoặc thậm chí là viết vào khăn giấy.
Literature note (Note tài liệu)
Bạn sẽ viết literature note khi đọc sách, bài viết, hoặc nội dung nào đó. Hãy viết một cách nghiêm túc, ngắn gọn, và viết theo câu chữ của mình chứ không bắt chước y theo nguồn.
Permanent note (Note vĩnh viễn)
Permanent note là loại note duy nhất sẽ được đưa vào slip-box (một chiếc hộp chứa đựng ý tưởng). Hãy xem lại fleeting note và literature note để chắt lọc những ý mà bạn thấy hay và liên quan nhất đến những điều mà bạn quan tâm. Hãy nghĩ đến những notes đã ghi trước đó trong slip-box và phân tích xem chúng có liên quan với nhau hay không.
Bạn cần viết câu cú hoàn chỉnh và trích nguồn đầy đủ đối với loại note này. Và hãy viết làm sao để nhiều năm sau đọc lại vẫn có thể hiểu ngay. Nếu bạn viết tốt, permanent note có thể liên kết với các ý tưởng và chủ đề khác, thậm chí những chủ đề tưởng như không hề liên quan.
Lưu trữ notes vào slip-box
Slip-box là chiếc hộp chứa đựng các permanent notes. Như tôi đã đề cập ở trên, bạn sẽ phải tìm cách liên kết các notes mà mình đã ghi chú với nhau trong chiếc hộp này. Nhờ đó, bạn có thể phát hiện các kiến thức, luận điểm liên quan với nhau, thậm chí là những thứ mà có thể bạn cũng không ngờ tới.
Khi đã có kha khá notes (đã liên kết) trong chiếc hộp của mình rồi, bạn có thể lấy một cụm notes liên quan ra để tạo thành dàn ý giống như đó giờ chúng ta viết văn. Mỗi dàn ý như vậy bạn có thể gán cho nó những chủ đề rộng hơn như tâm lí học, nghệ thuật, v.v.
Ngày xưa, Luhmann sử dụng một cái hộp thật. Ở thời đại bây giờ, slip-box có thể là bất kì phần mềm nào cho phép bạn ghi chú và liên kết các notes, ví dụ như Notion, Evernote, Zattelkasten, Roam Research, v.v.
Tôi đang dùng Notion, vậy nên tôi tạo một slip-box cho mình trên này luôn. Notion có chức năng liên kết trang nên tôi có thể liên kết notes dễ dàng. Tôi cũng mới bắt đầu áp dụng thử phương pháp này nên slip-box của mình vẫn còn rất sơ khai. Cập nhật 2023: Tôi hiện dùng Obsidian cho mục đích này vì liên kết dễ hơn.
Thực ra, Luhmann sử dụng phương pháp này hoàn toàn là dùng bút giấy và hộp thật, nên công cụ không phải là điều chính mà chúng ta bận tâm. Bạn có thể sử dụng thử nhiều phần mềm, hoặc viết tay thủ công như Luhmann cũng được.
Một số sai lầm thú vị mà chúng ta hay mắc phải
How To Take Smart Notes không chỉ là quyển sách về việc ghi chép, nó chứa đựng nhiều thông tin thú vị về những hoạt động học tập, làm việc mà chúng ta vẫn thường hay làm như brainstorm, highlight sách, hay viết luận.
Brainstorm
Chắc hẳn bạn cũng từng trải qua hoạt động brainstorm, tức là bạn phải vắt ra nhiều ý tưởng trong một khoảng thời gian ngắn. Brainstorm rất hữu ích trong nhiều trường hợp cần sự sáng tạo. Tuy nhiên, cách này có điểm yếu là chúng ta sẽ thường đưa những ý tưởng mà mình thấy quen thuộc, rõ ràng, dễ hiểu, còn những ý tưởng mơ hồ, cần nhiều nghiên cứu sâu hơn thì ta sẽ tránh đi.
Phương pháp ghi chép Zattelkasten và slip-box sẽ có thể bổ sung cho điểm yếu này. Bạn không phải cố vắt óc ra vài ý tưởng vội vã cho một dự án hay bài luận văn dài hơi, mà ý tưởng từ slip-box sẽ đáng tin hơn nhiều vì đã được ghi chép cẩn thận và “ủ” trong một thời gian dài.
Highlight sách khi đọc
Chắc hẳn bạn cũng quen với việc bất kể khi nào đọc một thứ gì đó thấy hay, bạn sẽ lấy bút highlight hoặc gạch chân. Và thật ra thì tôi chẳng mấy khi đọc lại những gì mình đã highlight, và tôi nghĩ cũng nhiều bạn phạm phải sai lầm giống mình. Highlight xong rồi thì bạn làm gì, bạn có đọc lại không? Và liệu bạn có thực sự hiểu kĩ những gì mình đã highlight không?
Như vậy việc ghi chép note sẽ đảm bảo bạn đã hiểu kĩ những gì mình đã đọc (hiểu thì mới viết theo ý của mình được), và khi bạn đặt ghi chú vào một mối (là slip box) thì tra soát lại dễ hơn. Việc bạn liên kết ý tưởng cũng giúp bạn quản lí ý tốt hơn mà không lãng quên chúng.
Phải có dàn ý rồi mới viết bài được?
Từ đó đến giờ, chúng ta luôn được dạy là viết cái gì cũng phải có dàn ý trước, luận điểm trước, rồi sau đó mới tiến hành tìm các thông tin để bổ sung cho luận điểm của mình (top-down). Điều này có thể dẫn đến hiện tượng bias như việc chỉ chăm chăm tìm kiếm những gì mà mình thấy có lí và hợp với luận điểm thôi chứ chưa chắc là đúng.
Nếu bạn nhìn ở một khía cạnh khác, việc sử dụng slip box rất có lợi cho những bài viết cần nhiều sự chuẩn bị. Ý tưởng đã được thu thập, trích nguồn, viết tỉ mỉ theo câu chữ của bạn và được liên kết với nhau rồi, nên khi cần bạn chỉ việc lôi các notes ra, suy ra luận điểm cho phù hợp, và bổ sung thêm những chi tiết râu ria nữa mà thôi (bottom-up).
Nói như vậy không có nghĩa là cách ghi chép Zettelkasten tối ưu nhất, mà tùy vào từng hoàn cảnh, chúng ta sẽ sử dụng phương pháp phù hợp.
Lợi ích của cách ghi chú Zettelkasten và Slip Box
Đọc cẩn thận hơn
Để hiểu đúng vấn đề và viết note chính xác, chúng ta sẽ đọc cẩn thận hơn và chăm chú hơn.
Viết dễ hơn
Trong suốt quá trình đọc và ghi chép có chủ đích, bạn đã có một kho tàng notes viết sẵn. Khi cần viết bài, chỉ cần sắp xếp, liên kết và chỉnh sửa chứ không phải viết lại hoàn toàn từ đầu một cách vội vã và ngán ngẩm.
Hơn nữa là với nhiều chùm notes của những chủ đề khác nhau, bạn có thể viết nhiều văn bản cùng một lúc. Nếu chỉ làm việc với một bài viết dài, đôi lúc chúng ta sẽ cảm thấy rất ngán ngẩm và bế tắc (block).
Không có note nào là dư thừa. Những gì bạn viết mà chưa liên quan đến văn bản chính có thể được chuyển sang một file khác để sử dụng hoặc đọc sau.
Ý tưởng khách quan hơn
Trong quá trình ghi chép và “ủ giấm” notes, bạn sẽ phát hiện những lỗ hổng trong những ý mà mình đã ghi. Bạn cũng có thể nảy sinh ra những thắc mắc về ý tưởng của mình. Liệu nó có hoàn toàn đúng? Mặt trái của nó là gì? Từ đó bạn có cái nhìn tổng quát và khách quan hơn về vấn đề, thay vì chỉ chăm chăm tìm ý nâng quan điểm của mình lên.
Khó khăn của cách ghi chú Zettelkasten
Cần sự tập trung
Theo tôi, cái khó nhất của việc ghi chép có chủ đích như Luhmann là việc chúng ta phải luôn cố gắng tập trung đọc kĩ những thông tin quan trọng để hiểu và viết được những notes tốt nhất.
Cần nhiều thời gian
Để tạo được một slip box chất lượng, chúng ta phải mất thời gian kha khá để thu thập notes. Thay vì chỉ đọc sơ qua và highlight đại một thông tin nào đó, việc ngồi xuống và ghi nhiều loại note và sau đó liên kết chúng với nhau cần nhiều thời gian lúc đầu. Lúc mới tạo slip-box bạn cũng sẽ không có nhiều notes để liên kết, mà đó là cả một quá trình tích lũy lâu dài.
Điều tôi thích ở sách
Tôi thích quyển How To Take Smart Notes ở chỗ nó đề cập đến nhiều quan niệm và thói quen sai lầm khi chúng ta viết, đọc, học, làm việc, ví dụ như lên kế hoạch quá chung chung, multitask, chọn thầy cô dễ tính để học, học vẹt, v.v. Đọc xong tôi thấy cái gì cũng mang tính tương đối, chứ không phải cái nào được sử dụng chính thức và được nhiều người làm theo thì sẽ là cái tối ưu.
Ngoài việc ghi chép, quyển sách cũng đề cập nhiều đến các kĩ năng hữu ích như cách đọc, cách học, cách suy nghĩ và phát triển ý tưởng, cách liên kết ý tưởng và chia sẻ chúng…
Điều tôi chưa thích ở sách
How to Take Smart Notes có nhiều khía cạnh hay, nhưng tôi vẫn cảm thấy tác giả chủ yếu thuyết phục người đọc áp dụng phương pháp của Luhmann hơn là đưa ra cách ứng dụng vào thực tế. Sách chưa có nhiều ví dụ và cách ứng dụng phương pháp Zettelkasten một cách cụ thể. Bạn có thể lên Google để xem nhiều ví dụ hơn, hoặc đọc thêm một bài viết tôi thấy rất cụ thể và hay ở đây.
Cập nhật 2024: Zettelkasten thực sự mất thời gian và công sức để đọc và review notes thường xuyên, nên tôi thường…quên. Sẽ phù hợp hơn cho ai làm chuyên về nghiên cứu hoặc thích nghiên cứu.
Lời kết
Nếu bạn là người yêu thích đọc và ghi chép thì How To Take Smart Notes là quyển sách đáng đọc. Tất nhiên là nó không hoàn hảo, nhưng chứa đựng rất nhiều thông tin thú vị giúp ích nhiều cho quá trình đọc, viết, và nghiên cứu của mỗi người.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nếu thấy bài hữu ích, bạn có thể ủng hộ blog bằng ly cà phê qua Momo hoặc Buy me a coffee.