Chỉ còn vài ngày nữa là 2020 chính thức khép lại. Năm nay, thế giới có nhiều biến chuyển, và cuộc đời tôi cũng có những thay đổi mới.
2020 là năm tôi trải qua nhiều cảm xúc. Tôi đã bước ra khỏi vòng an toàn, trải qua những ngày tháng vật vã vì mất phương hướng, và dần chập chững những bước đi đầu tiên trên con đường mới.
Tôi phải chấp nhận những mối quan hệ dần cũ, và đón nhận những mối quan hệ mới. Có những ngày áp lực từ chính bản thân khiến tôi ngộp thở và phải tìm đến việc viết journal và sách để dần cân bằng. Có những quyết định đưa ra mà tôi đã hối hận, rồi lại nhẹ nhõm, rồi lại tiếc nuối.
Bài viết hôm nay sẽ là bài viết cuối cùng của năm 2020. Để khép lại một khoảng thời gian đầy thú vị, tôi đã đúc kết 23 bài học mà mình đã nhận được trong năm nay.
-
Cuộc đời là một hành trình với những trạm dừng chân khác nhau. Nếu lần đầu tiên bắt xe bus đến một nơi lạ, bạn có thể sẽ xuống nhầm trạm, đi lố trạm, hoặc thậm chí lên nhầm xe. Mỗi một trải nghiệm đều mang lại những cảm xúc và trải nghiệm rất khác nhau, và bạn lại có thể nhớ thêm một đoạn đường mới rất thú vị. Vậy nên đừng đắn đo quá nhiều việc lên xuống ở trạm nào, đi xe nào mới đúng, vì đó là điều bạn không thể lúc nào cũng chính xác hoàn toàn được.
-
Impostor syndrome (nghi ngờ bản thân không đủ tốt) là một hiện tượng tâm lí hết sức bình thường. Nó cũng xuất hiện ở những người mà bạn cho là giàu có, thành công và suôn sẻ. Chúng ta không phải là người đơn độc, không phải là kẻ thất bại hay là kẻ chẳng làm nên trò trống gì. Mỗi chúng ta là một cá thể riêng biệt với những giá trị riêng.
-
Reach out nhiều hơn, bày tỏ tình cảm và sự quan tâm đối với những người quan trọng trong cuộc đời bạn. Đôi khi chúng ta định liên lạc với người mà chúng ta rất quý, nhưng vì sợ phiền, sợ người đó không thích, chúng ta mãi không nhắn. Tại sao phải để ý quá nhiều vì những thứ rất đơn giản? Tại sao phải đắn đo quá nhiều để rồi ngày càng cách xa nhau hơn?
-
Không phụ thuộc vào bất kì ai khác để có được hạnh phúc. Điều đó sẽ là gánh nặng cho người đó, và bản thân bạn cũng luôn bị lệ thuộc vào một ai đó để trở nên vui vẻ.
-
Luôn có niềm tin rằng sẽ gặp được những người tốt, dù ngoài kia tồn tại bao kẻ xấu. Tôi đã gặp nhiều người sẵn sàng hại mình khi tôi chẳng làm gì họ. Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng gặp những người tốt với những quan tâm chân thành và giúp đỡ tận tình. Người tốt và kẻ xấu sẽ luôn tồn tại xung quanh ta. Việc chỉ chăm chăm để ý đến những người mang lại tiêu cực chỉ khiến ta thêm phiền lòng.
-
Dám từ bỏ và mạnh dạn theo đuổi thứ mình muốn. Một khi bạn đã quen với điều gì đó, bạn sẽ rất khó để từ bỏ và thay đổi. Có thể bạn chẳng yêu thích gì việc đó, nhưng nó khiến bạn thấy an toàn và ổn định. Nếu còn trẻ, bạn hãy thử đừng đắn đo đong đếm quá nhiều khi gặp những thứ to lớn mà bạn nghĩ mình không làm được. Hãy mạnh dạn theo đuổi thứ khiến bạn thấy vui vẻ. Nếu bạn là tuýp người an toàn, hãy chuẩn bị kĩ cho bước ngoặt đó bằng cách tự trau dồi các kiến thức và kĩ năng mới.
-
Dám kết thúc rõ ràng những mối quan hệ mà cả đôi bên đều mệt mỏi. Có những mối quan hệ đã trở nên quá thân thuộc và như một phần thói quen của cuộc sống. Điều đó làm bạn thấy sợ hãi không dám bước ra. Hãy suy nghĩ kĩ và mạnh dạn trao đổi để có thể kết thúc rõ ràng những cảm xúc lửng lơ không đầu không cuối. Những mối quan hệ khác sẽ mở ra (hoặc không), nhưng hãy học cách yêu bản thân mình trước đã.
-
Đọc nhiều hơn. Trong năm nay, tôi đã hoàn thành 18 tựa sách và đạt được streak đọc là 61 tuần. Đọc sách chẳng làm tôi giàu lên chút nào, thậm chí còn tốn tiền mua sách và máy đọc. Nhưng đầu óc cũng mở mang hơn, và mình có điều kiện suy ngẫm thêm những điều mình đã đọc được. Nếu bạn chỉ thích đọc giải trí thì điều đó cũng rất ổn. Hãy để con chữ và tâm trí được bay bổng.
-
Nếu còn là sinh viên, hãy thử trải nghiệm nhiều công việc khác nhau. Điều này sẽ giúp bạn định hình được sớm hơn thứ mà bạn muốn làm trong tương lai. Ở thời sinh viên, tôi chỉ làm một số công việc liên quan nhất đến ngành học mà không chịu thử nghiệm nhiều ngành nghề khác. Kết quả là khi ra trường, tôi trở nên lạc lối. Tôi phải trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc: nghi ngờ, hoang mang, buồn bã, tức giận. Nhưng giờ tôi cũng bình tâm hơn và chịu trải nghiệm nhiều hơn để có được câu trả lời của riêng mình.
-
Luôn trau dồi và học hỏi thêm kiến thức. Cuộc sống ngày nay phát triển, các thế hệ trẻ được tiếp xúc với công nghệ và kiến thức từ rất sớm nên các bạn cũng dần giỏi hơn thế hệ trước rất nhiều. Vì thế tôi luôn phải cố gắng cập nhật và học hỏi thêm.
-
Sắm những món đồ chất lượng thay vì mua nhiều món lắt nhắt chất lượng thấp. Bạn vừa có thể trải nghiệm chất lượng tốt của món đồ đó, vừa không phải tốn nhiều thời gian và tiền bạc để mua đi mua lại những món đồ chất lượng kém, dễ hư hỏng.
-
Đối xử tử tế. Bạn không cần phải là một cô tiên nhân hậu và làm hài lòng tất cả mọi người, bởi vì chẳng ai làm được điều đó. Nhưng một sự quan tâm và hỏi han chân thành biết đâu lại khiến cho cả ngày của ai đó trở nên rạng rỡ hơn thì sao?
-
Chuẩn bị một chiếc CV và portfolio chỉn chu (nếu làm công việc sáng tạo). Tôi có cơ hội được đứng ở vị trí tuyển dụng (dù nghiệp dư thôi), và rõ ràng những bạn đầu tư vào CV có cơ hội lớn hơn nhiều so với những CV sơ sài và đầy lỗi chính tả.
-
Đừng đợi chờ hay kì vọng quá nhiều khi nộp đơn ứng tuyển công việc. Có nhiều bạn chỉ nhắm vào một công ty ưa thích và chờ đợi rất nhiều, nhưng rất nhiều HR sẽ không liên lạc nếu hồ sơ của bạn không đạt yêu cầu. Việc chờ đợi chỉ khiến ta thêm buồn bã, nghi ngờ bản thân, và bỏ lỡ nhiều cơ hội khác.
-
Các thói quen tốt cần một quá trình dài để xây dựng và duy trì. Có thể sẽ mất rất nhiều thời gian và thất bại, nhưng nếu bạn luôn nghĩ đến việc sẽ đưa thói quen đó vào cuộc sống của mình, sẽ có một ngày bạn dần quen với nó. Trong năm 2020, tôi đã dần tạo được thói quen tập thể dục, skincare, dọn dẹp, và đọc sách. Đây là những thói quen mà tôi đã cố gắng tạo dựng từ nhiều năm trước nhưng chưa bao giờ thành công để làm chúng một cách đều đặn. Nhưng diệu kì và khó hiểu thay, tôi đã đưa được chúng vào routine của mình. Có lẽ khi chúng ta làm một điều gì đó đủ nhiều và ngấm được ý nghĩa của chúng, những thói quen đó sẽ tự bám rễ vào cuộc sống của ta. Và cũng đừng quá lệ thuộc vào apps hay habit tracker. Chúng chỉ là công cụ, gốc rễ vẫn là nằm ở bản thân bạn.
-
Dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Dù có bay bổng, đi đây đi đó, gặp gỡ nhiều người, ở nơi thân quen hay xa lạ, nơi tôi biết rằng sẽ luôn đón nhận và yêu thương tôi là gia đình. Trải qua khoảng thời gian khó khăn trong năm nay, gia đình luôn ở bên cạnh và giúp đỡ tôi. Nếu bạn là người không thân với gia đình, thì hãy dành thời gian cho người luôn yêu thương bạn, hoặc học cách tự yêu thương mình nhiều hơn.
-
Tìm hiểu nhiều hơn về luật lao động, thuế, bảo hiểm, cũng như các lợi ích khác khi bạn tìm việc làm. Điều này giúp bạn hiểu rõ hơn những gì mình cần phải cân nhắc khi quyết định nộp đơn hay nhận một công việc nào đó. Bạn có thể không cần bảo hiểm, nhưng bạn cần biết về nó. Lúc mới đi làm, tôi rất lười và ngại tìm hiểu về những vấn đề này vì chúng xem chừng rất phức tạp. Nhưng khi đi làm được một thời gian rồi và cũng dần hiểu hiểu thì tôi mới thấy mình đã từng bị hố và bị lỗ 😂.
-
Mạnh dạn gửi đi và khoe lên những tác phẩm của mình nếu bạn là một người làm nghề sáng tạo. Những bản nháp, tác phẩm đầu tiên luôn có sự ngây ngô và sai sót, nhưng ai cũng phải tạo ra những bước đầu tiên đó để dần dần trở thành một người làm nghề cứng cáp. Nếu bạn còn e ngại là mình chưa đủ tốt hay mình thiết kế còn xấu quá, hãy tự tin show ra và nhận gạch đá để trưởng thành hơn. Hãy luôn chuẩn bị tâm lí vững rằng dù tác phẩm của bạn có tốt đến thế nào thì luôn luôn sẽ có những ý kiến trái chiều và những bình luận tiêu cực. Một quyển sách khá nhẹ nhàng và dễ thương mà bạn nên đọc nếu đang gặp vấn đề e ngại này là Show Your Work.
-
Động lực và cảm hứng là những thứ rất mơ hồ và không đáng tin cậy. Chúng có thể khiến ta nghĩ và làm gì đó xuất chúng trong một chốc lát, nhưng không thể là thứ khiến ta phát triển dài lâu. Kỉ luật vẫn là thứ ta phải dựa vào nhiều hơn.
-
Không phải lúc nào sợ cái gì thì làm nhiều cái đó cũng là tốt. Nghe có vẻ đi ngược lại với bất kì mọi lời khuyên đang thịnh hành lúc này ở các trang cho tuổi trẻ, nhưng đây là thứ khiến tôi bị stress và áp lực tâm lí ở công việc trước rất nhiều. Mỗi chúng ta đều có những giới hạn khác nhau, nên đừng quá cứng nhắc nếu bạn nhận ra điều đó đang mang lại cho bạn hại nhiều hơn lợi.
-
Nếu làm việc nhiều trên máy tính, hãy đầu tư nâng cấp máy, bàn ghế, và các thiết bị ergonomic (công thái học, thân thiện với tư thế con người). Một chiếc máy chạy nhanh giúp bạn tiết kiệm nhiều thời gian và không bực bội khi phải chờ đợi. Bàn ghế chuẩn giúp bạn giảm bớt các bệnh liên quan đến cột sống, vai gáy. Một chiếc màn hình lớn hơn, hay đồ kê laptop cho vừa tầm mắt cũng cải thiện tư thế và sức khỏe rất nhiều.
-
Luôn để dành một khoản tiền cho những lúc khẩn cấp, cần kíp, hoặc cho một dự án riêng. Thời Covid đi qua, một con số lớn trong chúng ta đều thấm thía rất rõ sự bế tắc của việc không có đủ tài chính để lo cho bản thân hoặc thực hiện điều mình muốn.
-
Ghi lại về những thứ hay ho đã từng đọc, những kỉ niệm đáng nhớ, và những gì khiến bạn biết ơn. Tôi rất vui vì trong năm nay mình đã ghi chép nhiều hơn. Có những câu ngắn hay chiếc hình nhỏ xíu tôi lưu trong Notion, cũng có những bài dài như sớ trên blog này. Tất cả đều khiến tôi thấy vui khi đọc lại. Chúng ta sống trong một thời đại mà mọi thứ diễn ra quá nhanh chóng, thông tin ùa vào não bộ một cách ào ạt, và đôi khi ta quên những kỉ niệm nhỏ xíu dễ thương nếu chẳng ghi chúng lại.
Mỗi người trong chúng ta đều đều trải qua những khó khăn và vui buồn riêng, và có những câu chuyện và bài học của riêng mình. Mong rằng bạn nào ghé qua bài viết nhỏ này có thể tìm được một vài mẩu thông tin hữu ích và khiến bạn thấy đồng cảm. Một trong những điều vui nhất của tôi năm nay chắc hẳn là sự thành lập của chiếc blog nhỏ này, nơi tôi có thể chia sẻ những điều mình quan tâm.
Nếu năm 2020 là một năm khó khăn với bạn, hãy giữ vững niềm tin và kiên định bước tiếp. This too shall pass.