Lại là một quyển truyện khác từ Minato Kanae mà tôi ưa thích. Bối cảnh xoay quanh vụ án mạng tại một căn biệt thự ở khu Hibarigaoka và ngôi nhà đối diện. Thay vì xoáy sâu vào việc giết chóc hay giật gân, tác giả đi sâu vào miêu tả tâm lí của từng người có liên quan đến gia đình có án mạng, từ con cái trong gia đình cho tới hàng xóm và xã hội xung quanh.
Án mạng trong căn biệt thự ở Hibarigaoka đã đảo lộn cuộc sống của cả 3 anh chị em trong ngôi nhà đó. Một ngôi nhà kiểu mẫu đúng nghĩa, các thành viên đẹp đẽ ưu tú giàu có. Không ai ngờ lại có thể xảy ra chuyện động trời như vậy. Điều tôi vẫn băn khoăn và thấy thiêu thiếu trong quyển Vòng đu quay đêm là tâm lí của người mẹ kế khi giết chồng mình. Liệu anh chồng đã nói một câu gì kích hoạt sự giận dữ trong cô ta? Hay đó là căm giận tích tụ lâu ngày mà con cái trong gia đình không thể nhìn thấy?
Một chi tiết ấn tượng với tôi trong truyện là con dốc ở Hibarigaoka, một khu nhà đắt đỏ và danh giá, khu nhà khiến người ta sẵn sàng nợ nần để có được vị trí nhỏ trong đó. Mayumi bị mờ mắt khi nghe được có thể mua và xây được nhà tại đây dù khả năng tài chính không cho phép. Quyết định xây nhà tại đó đã kéo theo gia đình phải thay đổi lối sống và cố chạy theo những thứ đắt đỏ, khó với tới hơn. Vì vậy mà con gái Mayumi đã thay đổi tính tình, trở nên căm hận mẹ và hỗn láo, thậm chí có những ảo giác tâm thần. Khi Mayumi thấy hạnh phúc mỗi khi leo lên leo xuống con dốc để đi đi về về ngôi nhà mà cô hằng mơ ước, thì con gái cô lại mang theo sự căm ghét tột cùng mỗi khi qua con dốc ấy, và con bé gọi đấy là chứng “say đường dốc”.
Mâu thuẫn giữa hai mẹ con Mayumi lên cao tới nỗi có lẽ đã xảy ra án mạng thứ hai tại khu Hibarigaoka nếu bà hàng xóm không can thiệp. Chồng Mayumi thì thờ ơ và chạy trốn khỏi những gì đang xảy ra trong nhà mình và cả ở bên ngoài, với hi vọng mọi thứ sẽ tự giải quyết bằng cách nào đó mà anh ta không phải can thiệp. Khi án mạng xảy ra trong căn biệt thự kia, tất cả mọi người xung quanh đều nghe thấy và ở đó, nhưng không ai can thiệp vì nghĩ đó không phải chuyện của mình. Có lẽ chuyện đã khác đi nếu họ “bao đồng, nhiều chuyện” hơn một chút. Khi con người ta ở đỉnh điểm của sự giận dữ, liệu họ có kiềm chế được bản thân mình?
Năm nay tôi đã đọc một loạt sách của Minato Kanae và thấy rất thích cách tác giả này miêu tả tâm lí con người thông qua các vụ án mạng, những đoạn hội thoại, những lá thư…