Với sự phát triển của công nghệ và tư duy ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể học online những lĩnh vực mà ta thấy hứng thú. Các trang học online mọc lên vô số, trong đó tiêu biểu là Udemy và Coursera. Vậy 2 trang này có gì hay, có gì chưa ổn? Có nên bỏ tiền ra học những khóa trên này không?
Udemy
Giao diện
Udemy có một giao diện khá thu hút. Các khóa học được tạo ra với những tiêu đề rất hấp dẫn, đánh trúng vào tâm lí người học. Giá mỗi khóa hiện lên rõ ràng, hấp dẫn. Việc thanh toán cũng rất dễ dàng, chỉ cần bạn có Visa, Momo hay Google Play.
Giao diện của Udemy rất thân thiện với người dùng. Các thao tác đều dễ dàng, từ mua, học, trao đổi với giáo viên cho đến hoàn tiền.
Tuy vậy, Udemy cũng có những điểm yếu nhất định. Trang web này có một tốc độ rất “sớm nắng chiều mưa”. Có những khoảng thời gian video sẽ không thể load nổi, gây ức chế và bực bội cho người học. Đây có lẽ là bệnh dài lâu của Udemy, vì có nhiều phàn nàn từ người dùng các nước khác.
Bạn cũng không thể tải video về để học offline. Muốn tải chỉ có các cách vi phạm bản quyền như là dùng IDM. Điều này có lẽ là do Udemy sợ người dùng tải khóa học về và tuồn sang các nguồn khác.
Bạn có thể tải video trên ứng dụng Udemy của iPad hoặc điện thoại. Nhưng thật ra, trải nghiệm dùng Udemy trên iPad rất tệ và chậm, cho dù bạn đã tải video xuống rồi.
Giá
Giá mỗi khóa chính thức lên đến $199, nhưng lại thường được sale xuống còn $10 – $12, (khoảng 230K – 280K). Đây là một mức giá cực mềm cho học sinh, sinh viên. Nếu bạn chọn đúng khóa chất lượng, thì bạn nhận về nhiều hơn số tiền mình bỏ ra.
Thật ra, Udemy sale rất rất thường xuyên, vài ngày lại sale một lần. Vậy nên, chẳng qua đây là chiêu marketing (dù hơi lộ liễu) để thu hút học viên. Bạn hãy kiên nhẫn đợi giá sale để không bị hớ.
Hình thức
Udemy hoạt động theo kiểu khóa học trọn đời. Bạn mua và hoàn thành từng khóa khác nhau. Mỗi khóa sẽ bao gồm những video bài học ngắn khoảng 10-15 phút. Dưới mỗi bài học đều có phần Q&A để bạn trao đổi với giảng viên và các bạn học khác. Ngoài ra cũng có phần Notes để bạn ghi chú trong lúc xem bài.
Mỗi khi bạn xem xong bài nào, sẽ có dấu tick cho biết bạn đã hoàn thành bài đó. Khi hoàn tất khóa học, bạn sẽ nhận được chứng chỉ online.
Chất lượng khóa học
Vì bất kì ai cũng có thể tạo khóa học được, nên chất lượng các khóa học của Udemy rất lẫn lộn. Có khóa sẽ cực kì chất lượng với lộ trình rõ ràng, bài tập đầy đủ, bài học mới được cập nhật thường xuyên và sự hỗ trợ nhanh chóng của giảng viên.
Việc một khóa học có mang lại cho bạn trải nghiệm tốt hay không cũng tùy vào từng giảng viên và sự đối đãi của họ đối với khóa học. Có những khóa cho phép bạn đăng bài làm của chính mình lên để nhận được feedback từ giảng viên, trợ giảng hoặc học viên khác. Bạn cũng có thể vào phần Q&A để đặt câu hỏi nếu có thắc mắc. Nhiều giảng viên cũng tạo các nhóm Facebook để bạn có thể vào giao lưu, trao đổi.
Ngược lại, cũng có những khóa, giảng viên tạo ra xong để đó, không hề có nhận xét hay phản hồi gì lại với học viên. Thật ra, với cái giá hơn 200K cho một khóa học, chúng ta không thể yêu cầu sự hỗ trợ tận tình nhất. Nhưng sự hỗ trợ từ giảng viên và sự giúp đỡ từ cộng đồng là một điểm cộng lớn mà bạn nên xem xét khi mua khóa học.
Với chất lượng các khóa học không đồng đều như vậy, việc lọc ra khóa nào tốt cũng khó. Bạn có thể đọc review và đánh giá sao của các học viên khác để đưa ra quyết định. Mỗi người học có những ý kiến và nhận xét rất khác nhau, nên bạn chỉ có thể tự trải nghiệm.
Điểm cộng lớn là Udemy sẽ hoàn tiền khóa học nếu bạn gửi yêu cầu trong vòng 30 ngày. Tôi đã yêu cầu hoàn tiền một số khóa học và được nhận lại tiền vài ngày sau đó.
Đa phần các khóa học của Udemy chỉ dành cho người mới bắt đầu, muốn tìm hiểu những kiến thức căn bản ở một lĩnh vực nào đó. Nếu bạn đã ở trình độ cao rồi, có lẽ bạn sẽ bị thất vọng khá nhiều. Tuy nhiên, cũng có những khóa nâng cao, ví dụ như IELTS Speaking – Improve your Language for Bands 7.0+, bao gồm những bài Speaking Band 8-9.
Bạn nên lưu ý, những cái tên “From Beginner To Pro”, hay “The Ultimate Course” thật ra chỉ là cách đặt tiêu đề đánh vào tâm lí thích “nhanh, bổ, rẻ” mà thôi. Udemy cung cấp cho chúng ta những bài học với khái niệm cơ bản. Bản thân chúng ta phải học hỏi, tham khảo ở thật nhiều nguồn nữa thì mới có thể lên được mức “Pro”.
Nên học gì trên Udemy?
Udemy có vô vàn các khóa học, từ IT cho đến ngoại ngữ. Bản thân tôi trải nghiệm hơn 10 khóa học ở đây rồi, nên tôi sẽ chia sẻ một số khóa học và kinh nghiệm trong quá trình học.
Udemy nổi tiếng vì những khóa học liên quan đến phần mềm đồ họa, lập trình. Tôi đã học một số khóa về Photoshop, Illustrator, Figma và thấy chất lượng khá ổn. Kiến thức cơ bản được tổng hợp khá đầy đủ. Bạn có thể sử dụng khá thành thạo các phần mềm này nếu tập trung học 3 ngày – 1 tuần.
Dưới đây là những khóa xứng tiền nhất mà tôi mua trên Udemy. Tất cả đều là tự mua và tự trải nghiệm.
Để tìm hiểu và làm quen với các chức năng của các phần mềm Adobe, bạn có thể tìm các khóa học của Martin Perhiniak. Các chức năng thông dụng được giải thích rõ ràng. Mỗi phần đều có bài tập giúp bạn linh hoạt hơn. Điểm trừ là giảng viên này ít hỗ trợ, do anh có trang khóa học riêng.
Nếu bạn muốn phát triển và theo đuổi nghề graphic design, bạn có thể xem khóa học của Lindsay Marsh. Lindsay xuất thân không theo trường lớp bài bản, nên hiểu rõ các khó khăn của các bạn tay ngang. Giảng viên này tạo được một cộng đồng người học trên Facebook khá mạnh, bạn có thể học hỏi thêm từ những học viên khác. Điểm trừ là giảng viên chưa chỉ được tốt cách dùng các phím tắt để bạn thao tác nhanh trong phần mềm. Bạn có thể học của Martin trước để quen thao tác, rồi học thêm của Lindsay sau.
Tôi cũng mua một số khóa học vẽ. Đa phần các khóa chỉ đơn thuần là vẽ theo mẫu như vô số các video tutorial trên YouTube. Các kĩ thuật vẽ bài bản chỉ được đề cập rất sơ sài. Nếu bạn muốn học vẽ một cách nghiêm túc, bạn nên theo một lớp vẽ ở bên ngoài. Nếu hứng thú học online, bạn nên tham khảo trang New Masters Academy (29/tháng). Còn nếu bạn vẽ cho vui và thích học theo khóa thì mua học trên Udemy cũng được 😉
Nếu bạn học tiếng Anh khá-giỏi và thích tự luyện IELTS, bạn nên mua khóa của IELTS Writing Task 2 và Improve your Language for Bands 7.0+. Đây là các khóa Speaking-Writing được soạn ra bởi GV IELTS bản xứ. Họ có rất nhiều bài mẫu kèm video giải thích từ vựng mà bạn có thể học theo.
Nếu muốn học Figma và UI design cơ bản thì khóa của Boroji khá chi tiết, đề cập đến hầu hết những thuật ngữ và công cụ cơ bản. Cập nhật thường xuyên nữa.
Coursera
Giao diện
Giao diện Coursera khá thân thiện và không đậm chất marketing như Udemy, nhưng việc tìm khóa học và xem giá cả không rõ ràng như Udemy. Tôi thấy bối rối khi không biết được ngay mình phải trả tiền theo khóa hay theo tháng. Điều này là do các khóa của Coursera có nhiều hình thức khác nhau,tôi sẽ đề cập thêm ở bên dưới.
Giá
Bạn có thể học một số khóa miễn phí, nhưng để lấy được chứng chỉ hoàn thành khóa học, bạn cần trả $49 (hơn 1 triệu 1). Các khóa khác yêu cầu bạn phải trả phí hàng tháng là $49. Nhìn chung, giá Coursera chát hơn Udemy rất nhiều. Những khóa lấy bằng đại học/thạc sĩ có thể lên đến hơn $30000. Bạn có thể xin Financial Aid và Coursera có thể hỗ trợ 90 đến 100% tùy theo thư bạn viết, mà cái này tôi chưa thử.
Hình thức
Coursera hoạt động theo nhiều hình thức, bao gồm khóa học riêng biệt, specialization (gộp nhiều khóa học), và bằng đại học/thạc sĩ. Mỗi khóa bao gồm những video ngắn, kèm tài liệu đọc, bài tập.
Coursera áp dụng peer review, tức là học viên nhận xét qua lại cho nhau. Theo tôi, đây là cái dở nhất của Coursera. Một là sẽ có những người chỉ nhận xét cho có. Hai là sẽ có những người chấm điểm cho bạn thấp không qua được bài. Gặp người chấm không có tâm, bạn cũng không thể khiếu nại được.
Nếu bạn vào forum sẽ thấy có rất nhiều người “cầu xin” ai đó chấm điểm đàng hoàng cho họ qua môn. Có những góp ý từ đời nảo đời nao mà vấn đề vẫn tiếp diễn y chang. Với cái giá $49, tôi mong thấy được sự hỗ trợ tốt hơn từ giảng viên và cả Coursera.
Chất lượng khóa học
Coursera khá là uy tín vì các khóa học do nhiều trường đại học nổi tiếng tổ chức. Tuy nhiên, chất lượng khóa học của Coursera cũng không đồng đều. Có khóa học rất ổn, nhưng cũng có khóa nội dung lan man và trùng lặp.
Điều tôi thích ở Coursera là tiến trình học tập của bạn được thể hiện rất rõ ràng. Lúc nào khóa học bắt đầu, lúc nào kết thúc, tuần nào có quiz, tuần nào có assignment, bạn đều có thể nắm được. Bạn được thôi thúc học tập và hoàn thành bài tập đều đặn, chứ không phải tự giác hoàn toàn như Udemy.
Một điều tôi thích nữa ở Coursera chính là những chủ đề học tập trên Udemy. Rất đa dạng, phong phú và mang tính học thuật. Arts and Humanities, Social Sciences, Health, Data Science… Nhìn là đã thấy thích rồi (nghe như con mọt chính hiệu…). Chỉ tiếc là với cái giá hơi chát nên tôi chưa học được nhiều, thành ra cũng không thể đề xuất khóa nào tốt cho bạn.
Nếu bạn có điều kiện tài chính và muốn lấy bằng đại học/thạc sĩ, Coursera cũng có những chương trình như thế này. Tiếc là chỉ có ở một số ngành như Data Science, Public Health, Business, Computer Science and Engineering. Mong là sẽ có thêm nhiều ngành khác, việc học sẽ trở nên linh hoạt hơn rất nhiều.
Lời kết
Sau khi so sánh và phân tích điểm nổi bật và điểm yếu của cả 2 trang Udemy và Coursera, bạn có thể thấy, không thể đặt lên bàn cân và nói thẳng trang nào tốt hơn. Mỗi trang có giao diện, giá cả, hình thức hoạt động và chất lượng khác nhau. Chúng ta phải tự trải nghiệm để tìm ra những gì phù hợp với chính mình nhất.
Việc học online tiện lợi vô cùng. Ta có thể học ở bất cứ đâu, trên bất cứ thiết bị nào, học bao lâu cũng được. Cái khó là ở chỗ làm sao để có đủ kỉ luật bản thân mà ngồi tập trung nghe giảng, và tự giác hoàn thành bài tập mà không cần ai hối thúc. Và còn khó hơn nữa khi ta ngồi học bằng một thứ tiếng không phải mẹ đẻ trên những trang nước ngoài như Udemy và Coursera.
Tôi luôn tin vào việc học cả đời (life-long learning), và chúng ta có thể học ở bất cứ đâu mà không nhất thiết cứ phải qua trường lớp. Miễn là ta đủ kiên nhẫn và tìm tòi.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nếu thấy blog hữu ích, bạn có thể ủng hộ bằng ly cà phê qua Momo hoặc Buy me a coffee.