The Happiness Project là hành trình đi tìm hạnh phúc của Rubin Gretchen trong vòng 12 tháng. Mỗi tháng, tác giả tập trung vào một lĩnh vực chính trong cuộc sống, đưa ra những resolutions (mục tiêu, cam kết) cụ thể, thực hiện chúng nghiêm túc và chia sẻ về những trải nghiệm đó. Đây là quyển sách nhẹ nhàng, tích cực, dành cho những bạn đang đi tìm cảm hứng và ý tưởng để khiến cuộc sống của mình hạnh phúc hơn.
Tôi thích The Happiness Project ở chỗ chia sẻ của tác giả rất thật chứ không phải liệt kê hàng tá hoạt động rồi cái nào cũng khen hiệu quả. Sách khá đồng điệu với quan điểm của tôi—không có gì là đúng cho tất cả mọi người, chúng ta phải thử để tìm ra thứ phù hợp với bản thân. Có người nghĩ hạnh phúc là sung túc thịnh vượng, có người cho rằng đó là bình yên, có người lại thích bản thân luôn phát triển. Với những định nghĩa về hạnh phúc khác nhau như vậy, thứ khiến người khác hạnh phúc chưa chắc đã khiến ta hạnh phúc.
Quan điểm của tác giả về hạnh phúc là thế nào?
- Là sự phát triển.
“To be happy, I need to think about feeling good, feeling bad, and feeling right, in an atmosphere of growth.”
- Là việc chúng ta không cần phải bỏ ra rất nhiều tiền, đi thật xa, hay đến với những thú thật xa hoa để thấy được hạnh phúc. Là việc chúng ta tìm hạnh phúc ở trong nội tại, ở những nơi thật gần, ở những thứ thật phù hợp.
“…we can build a better life only on the foundation of our own nature, our own interests, and our own values.”
Niềm vui của một món đồ mới hay những sự xa xỉ có thể biến mất ngay sau khi bạn có được nó, nhưng niềm vui về sự phát triển bản thân sẽ lớn hơn nhiều. Có thể là phát triển về mặt tài chính (giàu hơn), mạnh mẽ hơn trước những khó khăn, hay học hỏi được nhiều thứ hơn…
“I wanted to change my life without changing my life, by finding more happiness in my own kitchen.”
Tuy chúng ta hiểu về hạnh phúc khác nhau và cũng có những điều riêng khiến bản thân không hạnh phúc, nhưng có một điều chung là không ai thích ở bên cạnh một người lúc nào cũng cằn nhằn, than phiền, cau có, tỏa ra những năng lượng tiêu cực cả.
Mặt trái của một dự án hạnh phúc
Việc giữ một thái độ hạnh phúc hay nói rằng mình đang có một dự án hạnh phúc có thể khiến nhiều người nghĩ rằng bạn kì cục, giả tạo, hay đá xéo rằng bạn đang tích cực một cách độc hại. Một trong những chỉ trích phổ biến khác là bạn không nên tỏ ra hạnh phúc khi ngoài kia còn nhiều người khổ đau hơn bạn.
Nhưng việc giữ một thái độ tiêu cực và coi đó là “thực tế” thì cũng không giúp ích được gì cho ai, cũng không làm ai tốt hơn. Còn nếu bạn hạnh phúc, vui vẻ, thì bản thân bạn sẽ hành động tích cực hơn. Những hành động đó có thể lan tỏa chút tích cực đến người xung quanh, hoặc chí ít là khiến bạn thấy vui.
Một mặt trái khác của việc tập hạnh phúc và tích cực hơn là ta dễ đánh giá người khác khi họ tiêu cực, không vui, toxic, không biết ơn… Bạn có thể đưa ra những lời khuyên, có thể đề nghị giúp đỡ họ, nhưng chỉ vậy thôi. Không nên ép buộc hay tìm cách tranh cãi nhằm thay đổi họ. Tập trung vào hạnh phúc của chính mình và để người khác tự đón nhận những năng lượng tích cực một cách tự nhiên theo ý họ.
Chúng ta cũng nên tìm cách cân bằng để không tỏ ra hạnh phúc một cách vô ý, khiến mình trở thành vô duyên và không để ý đến cảm xúc của người khác. Và cũng không cần phải cười đùa, giỡn hớt mọi lúc để tỏ ra mình hạnh phúc. Hạnh phúc thực sự nên là cảm nhận cá nhân ở bên trong bạn.
Làm gì và không làm gì để khiến bản thân hạnh phúc hơn: ý tưởng và hoạt động gợi ý
Dưới đây là một số ý tưởng và hoạt động mà tôi thấy hay từ sách, chia theo từng lĩnh vực trong cuộc sống:
Năng lượng
Khi cơ thể tràn đầy năng lượng, tâm trạng sẽ thoải mái hơn và thực hiện những thứ khác dễ dàng hơn. Để được vậy, bạn cần ăn uống, tập luyện, ngủ nghỉ điều độ.
Sắp xếp, dọn dẹp những thứ khiến bạn thấy bừa bộn, chật chội, không thoải mái:
- Những thứ mà bạn giữ vì “lỡ có lúc cần”
- Đồ mua do sale chứ không phải là đồ cần thiết
- Quà, đồ được cho lại mà ta không dùng
- Những thứ đã quá cũ rách
- Những thứ chỉ khi hứng lên mới dùng
- Những thứ không thích mà vẫn dùng
- Những thứ mua lầm nhưng vẫn giữ lại: quần áo!
Giải quyết tasks: ghi tất cả vào to-do list, chấp nhận rằng sẽ không thể gạch bỏ hoàn toàn một số tasks được. Đôi khi cái khó khăn nhất của việc hoàn thành task là quyết định làm nó.
Nhiều quyết định không cần nhiều nghiên cứu, suy ngẫm đến thế.
Tình yêu
4 thứ tàn phá các mối quan hệ:
- Stonewall: ngăn chặn cuộc trò chuyện bằng cách từ chối trả lời hoặc nói lấn át người khác.
- Defensiveness: thái độ phòng vệ khi cảm thấy bị người khác chỉ trích/đánh giá, dẫn đến các hành vi như là đổ lỗi ngược lại, silent treatment, lôi chuyện xấu cũ ra nói, mỉa mai, hoặc chỉ trích lại người khác…
- Chỉ trích
- Coi thường
Bớt càu nhàu. Nhiều người nghĩ càu nhàu, nhắc nhở là một biểu hiện của tình yêu, và nhiều người cũng yêu thích được nhắc nhở, quan tâm kiểu như vậy. Nhưng người trưởng thành nên tự biết quyết định nên làm gì mà không cần người khác phải can thiệp hoài.
Không chê bai, bới móc.
Quan sát và trân trọng những điều đối phương làm.
Không kì vọng khen ngợi. Nếu bạn làm điều gì cho người khác, bạn sẽ muốn họ công nhận, biết ơn, và khen ngợi. Nếu họ không làm vậy thì bạn sẽ thất vọng và trút bực mình lên họ.
Tranh cãi đúng đắn:
- Không lôi chuyện cũ vào, chỉ giải quyết chuyện một lần.
- Tránh “You never…”, “You always…”
- Học cách kết thúc tranh cãi thay vì kéo dài hàng tiếng đồng hồ nhưng không giải quyết được gì.
- Không bùng nổ, dùng hành động hay lời nói để đẩy mâu thuẫn lên cao.
- Nhớ rằng đối phương cũng có những áp lực riêng.
Sẽ mất khoảng 5 hành động tích cực để bù lại cho 1 hành động tiêu cực. Để một mối quan hệ bền vững hơn thì trải nghiệm tích cực phải nhiều hơn tiêu cực, khi đó chuyện tiêu cực cũng dễ được bỏ qua.
Không trút hết mọi thứ lên người đối phương. Lúc nào cũng than phiền thì người kia sẽ rất mệt.
Chứng minh tình yêu bằng hành động:
- Nói yêu nhiều hơn. Ghi lời yêu vào mỗi tin nhắn.
- Gửi tin nhắn thú vị, tin tức vui.
- Ôm nhiều hơn.
- Dành thời gian riêng cho nhau nhiều hơn: cùng làm các hoạt động trong nhà, ngoài trời.
“Whatever love I might feel in my heart, others will see only my actions.”
Nếu muốn biết một người muốn được đối xử thế nào, có thể xem cách họ đối xử với người khác thay vì dựa vào lời họ nói. Ví dụ, người kia luôn tổ chức sinh nhật và tặng quà cho người khác, rất có thể là họ cũng muốn được tặng quà và tổ chức sinh nhật.
Trong một mối quan hệ, chúng ta thường cố gắng thay đổi đối phương để mình được hài lòng, vui vẻ. Nhưng bạn không thể thay đổi ai khác ngoài chính bản thân mình. Ba mẹ bạn có càm ràm khó tánh, bạn vẫn yêu họ. Con mèo nhà bạn hay phá phách, bạn vẫn yêu ẻm. Khi bạn từ bỏ kì vọng về việc thay đổi đối phương, bạn sẽ ít giận dữ và thất vọng hơn, từ đó hạnh phúc hơn và không khí trong mối quan hệ cũng dễ chịu hơn.
“You love someone as who they are.”
Ôm ít nhất 6s có thể tăng lượng oxytocin và serotonin—những chất giúp tâm trạng vui hơn và tăng sự kết nối.
Công việc
Thúc đẩy bản thân và chấp nhận thất bại.
Không để chủ nghĩa hoàn hảo cản trở ta đến với những thứ tốt đẹp.
“Don’t let the perfect be the enemy of the good.”
Tìm những nhóm người cùng chí hướng, mục tiêu, quan tâm. Học tập từ họ và giúp đỡ lẫn nhau.
Tận hưởng hiện tại thay vì luôn nghĩ rằng “khi mình có được cái này, cái kia thì lúc đó mình mới hạnh phúc” (arrival fallacy, floating world fallacy, nihilism fallacy). Khi làm điều mình yêu thì hạnh phúc sẽ nằm trong quá trình.
Đón nhận đánh giá, chỉ trích với một sự thân thiện và tự tin thay vì phản kháng lại hay biện hộ.
Gia đình
Học cách tận hưởng khoảnh khắc thay vì luôn quạu cọ hay miễn cưỡng. Đùa giỡn, dành thời gian cho gia đình thay vì khiến họ im lặng và tránh đi chỗ khác.
Không quát tháo.
Chấp nhận cảm xúc của người khác thay vì áp đặt họ phải thế này thế kia. Con người ai cũng có lúc sợ hãi, giận dữ, bực bội. Thay vì nói “Cái đó có gì đâu mà sợ” thì có thể nói “Cái đó đáng sợ ha”. Hoặc không nhất thiết phải nói gì cả mà chỉ cần ở bên cạnh và cho họ một cái ôm.
Tạo và lưu giữ kỉ niệm: chụp ảnh, lưu vào một tập album hay hộp, cùng làm một hoạt động gì đó vui vui.
Giải trí
Làm gì khiến bản thân thực sự thấy vui thay vì theo đuổi những thứ ta nghĩ là vui. Có nhiều thứ chúng ta chỉ thích ý tưởng về nó, hoặc thấy người khác làm vui, chứ thực ra ta không thích và không mong chờ nó. Nói cách khác, chúng ta nên chấp nhận sở thích của bản thân thay vì nghĩ rằng những thú vui khác mới thú vị hơn.
Đi đến những nơi mới mẻ, trải nghiệm những thứ mới, gặp những người mới, đối diện với những tình huống mới, đọc những thứ chưa từng đọc.
Be silly—ngớ ngẩn một cách vui vẻ và hài hước. Cười thật to, nhảy như điên, gọi video call mà chỉ nhìn không nói gì…
Tình bạn
Quan tâm theo cách của mình chứ không phải lúc nào cũng là quà cáp.
Cut people some slack: dễ chịu hơn với người khác vì cuộc sống mỗi người phức tạp hơn cách mà người ta thể hiện ra bên ngoài. Chúng ta không nên đánh giá và chỉ trích một người chỉ qua vài hành động, tình huống.
Có mặt ở những sự kiện quan trọng trong cuộc đời bạn bè, dù chúng có phiền phức hay tốn thời gian.
Hạn chế ngồi lê đôi mách.
Tiền bạc
Mua thứ khiến mỗi ngày của bạn là một niềm vui. Ví dụ, nếu bạn uống sinh tố mỗi ngày thì một cái máy xay xịn có thể khiến bạn hạnh phúc.
Hạn chế tiêu xài tiền cho những thứ khiến bản thân vui trong chốc lát nhưng lại thấy tội lỗi, không vui sau đó.
Dùng những thứ mà bạn để dành hoài, mãi không dám lấy ra dùng.
“Life is too short to save your good china or your good lingerie or your good ANYTHING for later because truly, later may never come.”
Đam mê
Dành thời gian cho những thứ mình yêu thích.
Không quan tâm đến kết quả. Chỉ tận hưởng quá trình mà không tự áp lực rằng phải đạt được cái này cái kia.
“You can strive for triumph, or you can potter around, tinker, explore, without worrying about efficiency or outcomes.”
Mindfulness (Tỉnh thức/Chánh niệm)
Tập trung vào cơ thể, cảm xúc, tâm trí, hành động ở thời điểm hiện tại.
Để ý đến thức ăn mà mình lựa chọn, tiêu thụ.
Thái độ
Bạn không cần phải là người hoàn hảo, tích cực quá mức mọi lúc, mà là nhận thức và để ý thái độ, hành động, cách mình lan tỏa năng lượng đến mọi người xung quanh.
Chúng ta sẽ phản ứng mạnh hơn đối với những thứ không tốt, tiêu cực. Khi đầu óc rảnh rang, ta sẽ hay nghĩ về chuyện buồn, lo lắng, giận dữ. Vậy nên, để giữ thái độ vui vẻ là chuyện không dễ.
Để có thái độ tốt hơn thì trước tiên nên giữ cho thể chất thoải mái: ăn uống đầy đủ, mặc đồ mát mẻ/giữ ấm, ngủ nghỉ khi mệt.
Cười nhiều hơn: thay vì tỏ thái độ dửng dưng khi người khác bày tỏ bản thân, đùa giỡn, hãy cười chân thành hơn và nhận lại niềm vui từ người đó.
Bày tỏ sự quan tâm khi người khác nói lên quan điểm của họ.
Nói chuyện mỉa mai, xéo sắc thì dễ hơn nói chuyên vui vẻ, tích cực. Để tích cực, bạn cần nhiều khiêm tốn và chút ngây ngô nữa.
Tránh các lời tiêu cực nếu không cần thiết: “Đồ ăn gì mà dầu mỡ quá. Sách gì mà dở quá. Tui không muốn đi chút nào.”
Chọn bỏ qua thay vì làm ầm ĩ lên.
Hạnh phúc cần nhiều nỗ lực
Để hành động vui vẻ, để làm những thứ khiến mình hạnh phúc, cần nhiều nỗ lực, đặc biệt khi đó không phải là bản tính của bạn.
“It is easy to be heavy, hard to be light.”
— G. K. Chesteron
Có lẽ, chúng ta biết rõ những gì sẽ khiến mình hạnh phúc, nhưng lại dễ bị thu hút, cám dỗ bởi những điều ngược lại. Ai mà không biết việc ăn ngủ, tập luyện lành mạnh, sống tử tế hơn, vui vẻ với người xung quanh hơn sẽ giúp hạnh phúc hơn? Chẳng qua những món đồ ăn nhanh, chút lần lữa “tí nữa ngủ”, nỗi giận dữ cần phải trút lên người đối diện ngay lập tức, sự vô tâm với ý nghĩ “thôi để sau, mình vẫn còn nhiều thời gian”, sự lười biếng, ích kỉ…—chúng quá thật, quá lấn át khiến chúng ta thất bại trong việc thực hiện những thứ khiến mình hạnh phúc.
“Go outside.
Spread joy.
Don’t expect it to last forever. Everything ends and that’s okay.
Be silly. Be light.
Give without limits, give without expectations.”
Còn bạn, định nghĩa của bạn về hạnh phúc là gì? Điều gì hôm nay bạn có thể làm (hoặc không làm) để khiến mình hạnh phúc hơn?
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nếu thấy blog hữu ích, bạn có thể ủng hộ bằng ly cà phê qua Momo hoặc Buy me a coffee.
Reference: Rubin, G. (n.d.). The Happiness Project, Tenth Anniversary Edition: Or, Why I Spent a Year Trying to Sing in the Morning, Clean My Closets, Fight Right, Read Aristotle, and Generally Have More Fun (Anniversary ed.). Harper Paperbacks.