Vài dòng linh tinh về sự mất mát, Saigon cuối năm khi người ta sống cùng bệnh dịch, labels, và sự sẻ chia.
Sẽ qua
Vào ngày này hai năm trước, tôi đã khóc thật nhiều. Cảm giác chú mèo gắn bó trong nhiều năm ra đi trước mặt và trong vòng tay mình là một kí ức không bao giờ quên được. Tối đó, tôi vẫn phải giả khoác lên bộ mặt tươi tỉnh đi làm, dù cho có hụt hẫng trống trải, đầu óc mơ màng hay tay lái không còn vững. Suốt khoảng thời gian sau đó, grief cứ đến vào những cái nửa đêm. Có khi mắt hơi ướt, có khi nhớ cồn cào, có khi ướt gối, có khi lại lẳng lặng xem lại những tấm ảnh cũ. Khi nghe đến sự ra đi của Bub, Shironeko, Bư…, những nhân vật dù chưa từng gặp trực tiếp, tôi vẫn bất giác chạnh lòng và đồng cảm với sự mất mát.
Hai năm sau, tức là vào ngày hôm nay, tôi đã đón nhận ngày mới với sự bình lặng. Nỗi nhớ hay nỗi buồn không còn đến bất chợt và mạnh mẽ. Người ta đúng khi nói “this too shall pass”. Bất cứ niềm vui hay nỗi buồn nào, dù có dồn dập hay âm ỉ, thì cũng sẽ qua. Có tiếc nuối cũng khó mà níu kéo lại, có muốn quên thì cũng không thể ép sâu xuống hay giấu nhẹm nó đi. Nói thế, không có nghĩa là tôi đã quên, chỉ là lòng tĩnh lặng đi, không còn giày vò.
Giờ nhìn lại, mọi thứ đã trở thành những kỷ niệm đẹp được lưu giữ trong ký ức, đã được ghi lại trong những tấm hình On This Day. Có lẽ vì chứng kiến những mất mát và sự quên lãng, tôi lại trở nên yêu những tấm ảnh và cả những kỷ niệm nhiều đến thế.
Cuối năm
Sài Gòn đông đúc trở lại. Tôi cũng hòa vào dòng người ấy ra đường và tiếp tục cuộc sống bình thường, dù cho xen lẫn sự e ngại với dịch bệnh và sự chủ quan khi nghĩ nó không quá gần. Tôi thấy hơi tiêng tiếc sự vắng lặng của Sài Gòn nhiều tháng trước, cái vắng lặng chỉ những ngày Tết mới được chứng kiến. Nhưng nhộn nhịp lại tức là người ta cũng dần chuyển mình để quay lại với cuộc sống và có cơ hội để mưu toan, âu cũng là điều tốt.
Ở nhà nhiều tháng, tôi cũng mất một khoảng thời gian để làm quen lại với khói bụi, xã hội, và những điều đợi mình ngoài kia. Tôi tranh thủ làm những việc mình đã trì hoãn trong thời gian dài: đem xe đi sửa, mua những thứ cần, làm giấy tờ, gặp gỡ. Vì đã hoàn thành những thứ cần ấy, tôi có chút vui.
Chỉ còn một tháng nữa là hết năm. Có nhiều thứ muốn hoàn thành giờ cũng đã dần đến vạch đích. Có nhiều thứ bị bỏ lỡ và xếp xó. Những cái đầu năm, giữa năm, cuối năm đôi khi thật hối thúc, đôi khi cũng là thời điểm để mình chậm lại và nhìn xem mình đã đi qua những cột mốc gì. Có thể chẳng to tát với ai, nhưng có ý nghĩa với bản thân là được.
Labels
Chúng ta hay tìm kiếm những cái nhãn—labels—và tìm cách dán nó lên bản thân mình (thậm chí là lên người khác, người mà chúng ta không hiểu một tí gì). Labels thì cũng hằng hà sa số: nghề nghiệp, xu hướng tính dục, ngoại hình, gia cảnh, lối sống… Mỗi khi dán một cái label lên, ta cũng chứng kiến hằng hà sa số những assumptions dành cho label đó. Nghề giáo thì phải ngoan hiền, người viết thì phải phân ra viết cho mình hay viết cho người, bisexual thì lăng nhăng, avoidants thì chẳng biết yêu thương ai cho đúng nghĩa, giàu thì sung sướng. Vân vân và mây mây.
Ngay chính tôi đôi khi còn đi tìm những cái labels đó cho cả mình và người khác nữa chứ không riêng gì ai. Không dán lên, thì ai biết bạn là ai, bạn làm gì, bạn thế nào? Nhưng nhiều khi tôi thấy mình gò ép bản thân theo những danh từ vô nghĩa, hay không nhìn người khác theo góc độ mà họ xứng đáng. Đôi khi, tôi dừng tìm kiếm. Và nghĩ rằng mình cũng chỉ là mình thôi.
Sẻ chia
Hôm trước, cũng lâu lâu rồi, tôi nói chuyện cùng A., người luôn sẵn sàng chào đón những cơn nói xàm bất chợt của tôi. A. vừa kết thúc mối tình dây dưa nhiều năm. Lí do cũng như bao mối tình khác—khác biệt không hòa hợp được, tổn thương không vá lành được, hiểu lầm không giải thích được. Ở cương vị người ngoài cuộc, tôi luôn khuyên nhủ A. rời đi, thay vì tìm cách lắng nghe. Con gái yêu thì giả mù giả điếc, dù cho họ đủ nhạy cảm để biết hết tấm lòng của đối phương và những vấn đề đau đáu không có lời đáp. Cuối cùng là A. giấu tôi nhiều vì sợ tôi phản đối, một điều đáng buồn khi lí do duy nhất chúng tôi tồn tại trong đời nhau là để sẻ chia.
Tôi nhận ra nhiều lúc, người ta chia sẻ chỉ vì muốn chia sẻ, chứ không cần thêm lời khuyên hay cấm đoán. Không ai thông thái hơn ai khi tất cả đều đã đủ lớn. Người ngoài cuộc thì tỉnh táo mà nhìn vào với con mắt ráo hoảnh. Người trong cuộc thì bị xúc cảm lấn át mọi cái gọi là lí trí, nên họ giả ngơ và mặc kệ mình hiện lên trong mắt người ngoài là “ngu, lì, nói không nghe”. Quyết định và hành động tiếp theo là ở bản thân tự lựa chọn. Kết quả thì bản thân tự gánh chịu, hoặc nếu thêm chút may mắn, hưởng quả ngọt. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm cho nhau, đôi khi chỉ là cùng uống chút gì đó và lắng nghe.
Một tháng sau những ngày mà A. tả là “rầu thúi ruột” đó, tôi hỏi nó liệu có còn buồn không, A. bảo “Đã biết trước chuyện tới đó thôi thì cũng không nên dằn vặt làm gì. Mình cũng không ghét người ta.” Nghe vừa nhẹ nhõm mà cũng vừa nặng nề. Ừ thì, chuyện con người ta trôi dạt ra khỏi cuộc đời nhau là một phần rất bình thường của cuộc sống mà, nhưng mỗi lần tạm biệt nghe sao buồn đến thế.
Đã lâu không gặp, khoảng cách thật xa, chúng tôi chỉ có thể uống cùng qua màn hình. Nhưng luôn có chỗ cho sự sẻ chia.