Làm sao để đọc nhiều hơn?

Bài viết này gồm 18 cách bạn có thể áp dụng để đọc nhiều hơn và biến việc đọc trở thành thói quen của mình.

Gạt bỏ những định kiến về việc đọc

Chúng ta thường gắn việc đọc với một thứ gì đó ý nghĩa, bổ ích và trí thức. Rất nhiều người cho rằng chỉ nên đọc sách chuyên ngành và sách cung cấp kiến thức, còn tiểu thuyết, self-help, hay truyện tranh là những thứ lãng phí thời gian. Điều này vô hình khiến nhiều bạn xem đọc sách như một áp lực thay vì niềm vui.

Tất nhiên là đọc những sách chuyên ngành hay khô khan một chút là điều không thể tránh khỏi. Nhưng đừng đánh đồng chúng với việc đọc. Bạn có quyền đọc những thứ khiến bản thân thấy vui, cho dù người khác cho rằng chúng là “tào lao” và phí thời gian.

Thử đọc bằng nhiều hình thức khác nhau

Một số người chỉ thích sách giấy vì họ yêu cảm giác cầm quyển sách trên tay và hít hà thứ mùi đặc trưng của giấy. Một số khác thích đọc ebooks (sách điện tử) vì có thể dễ dàng truy cập bằng máy tính bảng, máy tính, điện thoại, và máy đọc sách trong khi ở bất cứ đâu. Thói quen nghe audiobooks (sách nói) cũng dần trở nên phổ biến.

Tại sao không phải là cả 3? Bạn hoàn toàn có thể ôm một cuốn sách rồi nằm dài trên giường đọc, xem ebooks trên máy tính hoặc máy đọc sách khi bạn phải ra ngoài và không thể cầm theo cuốn tiểu thuyết nặng trịch. Bạn cũng có thể nghe audiobooks với tốc độ 2x khi lau nhà hoặc trong lúc chờ đợi ai đó. Nếu sách luôn sẵn sàng bên người thì bạn sẽ có cơ hội đọc nhiều hơn.

Thử nhiều thể loại sách

Thay vì chỉ đọc những thể loại ưa thích hoặc chuyên ngành, tại sao không thử gì đó mới mẻ hơn? Bạn có thể tìm đọc những chủ đề khác khi đã chán ngán những chủ đề quen thuộc. Bạn có thể đọc những thứ nhẹ nhàng khi tâm trạng nặng nề. Còn khi cảm thấy quá nhẹ nhàng, bạn có thể tìm đọc những thứ nặng đô hơn? 🤣 Tôi chưa bao giờ nghĩ mình thích thơ cho đến khi gần đây vô tình đọc và tiếp xúc nhiều với thơ hơn.

Tìm đọc lại những quyển sách tuổi thơ

Tìm đọc lại những quyển sách ưa thích hồi bé của bạn có thể đem lại nhiều cảm xúc. Bạn có cơ hội nhìn lại nội dung sách, các nhân vật và sự kiện trong đó với một ánh mắt mới mẻ, trưởng thành hơn. Bạn cũng được trải qua cảm giác hoài niệm. Tuổi Thơ Dữ Dội là một bộ sách gắn với thời thơ ấu của tôi, và mỗi lần đọc tôi lại thấy phiên bản trẻ con của mình phảng phất đâu đó.

Còn nếu bạn không có quyển sách tuổi thơ ưa thích nào, bạn có thể đọc lại những quyển mà bạn thấy thích gần đây.

Đọc sách phù hợp với tâm trạng và hoàn cảnh

Mỗi khi gặp khó khăn, tôi lại tìm đến những đầu sách giúp mình thấy đồng cảm, và để tìm ra giải pháp cho chính mình. Khi nào thấy bế tắc trong công việc, tôi tìm đọc sách chuyên ngành. Khi buồn, tôi đọc những quyển sách buồn rũ rượi. 😂 Khi lo âu và trì trệ, tôi lại tìm đến các sách về tâm lí và productivity.

Chọn sách theo tâm trạng, điều bạn đang nghĩ nhiều về, môi trường bạn đang trải nghiệm, những khó khăn mà bạn đang trải qua sẽ giúp bạn có nhiều hứng thú hơn. Bạn cũng có thể tìm ra lối đi cho chính mình khi đang hoang mang nữa.

Dành một nơi cho việc đọc

Tạo một góc nho nhỏ cho việc đọc sẽ khiến bạn có nhiều cảm hứng hơn và đọc nhiều hơn. Một vài người thích đọc ở quán cà phê và thư viện, một số khác lại thích đeo tai nghe và ngồi một góc phòng để đọc và quên hết mọi thứ xung quanh.

Hãy để nơi này không bị ảnh hưởng bởi bất kì sự xao lãng hay gián đoạn nào. Không để nhiều thiết bị điện tử ở gần để tránh thông báo làm phiền hay những thứ thú vị hơn cuốn bạn đi, hoặc tốt nhất là để chúng ở một nơi nào khác.

Để sách ở những nơi mà bạn hay thấy

Bạn có thể đặt sách ở ngay trên bàn, trong nhà vệ sinh (well 😆), cạnh giường, những nơi mà bạn…lăn lộn nhiều nhất. Sắp xếp chúng sao cho đẹp mắt hơn: mua kệ sách đẹp, đặt sách ngay ngắn hơn…

Bằng việc để sách ở những nơi bạn hay lui tới, bạn sẽ luôn có thể tranh thủ chút thời gian để đọc vài trang. Có khi bạn lại hoàn thành một quyển mà không biết mình đã đọc nó lúc nào không chừng?

Lên kế hoạch cho việc đọc

Nếu bạn muốn biến việc đọc thành một thói quen nghiêm túc và duy trì nó, hãy đưa nó vào kế hoạch của bạn. Đừng chỉ xem đọc sách như một việc có làm cũng được, mà không làm thì cũng không sao. Nếu vậy thì việc nhà, việc công ty, việc học… sẽ nhanh chóng lấy đi tất cả thời gian của bạn.

Nghe nhạc hoặc âm thanh giúp tập trung

Nếu âm nhạc hoặc một số âm thanh giúp bạn tập trung hơn, hãy đem chúng vào giờ đọc của bạn. Một số người thích nghe tiếng nhạc cụ, một số khác lại thích nghe tiếng mưa, tiếng đường phố… Hãy thử tìm một loại âm thanh giúp bạn thoải mái và hứng thú hơn khi đọc mà không khiến bạn mất tập trung.

Ghi lại những đầu sách mình đã đọc

Ghi lại danh sách những quyển đã đọc có thể tạo cho bạn cảm hứng để đọc tiếp và làm cho nó dài hơn. Nó không chỉ là một thành tựu nho nhỏ khiến bạn thấy vui hơn, mà sau một thời gian nhìn lại, bạn cũng biết được mình đã đọc những gì. Bạn có thể ghi thủ công vào sổ, trên máy, hoặc dùng app như Book of the Month, Bookly để tạo danh sách này.

Đọc nhiều sách cùng một lúc

Nếu bạn là người hay chán và không muốn lúc nào cũng chỉ dính với một quyển sách, hãy thử đọc nhiều quyển cùng một lúc. Tuy nhiên, điều này có thể làm bạn không đọc xong được quyển nào hết hoặc ngắt mạch luồng suy nghĩ của bạn.

Bỏ những quyển mà bạn không bắt nhịp được

Chúng ta hay bị mắc phải Sunk Cost Fallacy, tức là khi đã bắt đầu đọc một quyển sách nào đó, ta cứ đinh ninh rằng mình phải hoàn thành nó chứ không được bỏ ngang, bởi dù gì cũng đã tốn thời gian đọc nó rồi. Điều đó khiến bạn cố nhồi nhét và đọc trong chán chường.

Mà khi việc đọc trở nên chán như thế, bạn sẽ dần tránh xa nó. Hãy mạnh dạn cất đi những quyển mà bạn đọc mãi không vào chỉ vì ai cũng đọc nó, ai cũng nói nó hay… Thường thì tôi sẽ bỏ dở một quyển sách nếu đọc 30-50 trang mà không tài nào muốn đọc tiếp.

Ghi chép trong và sau khi đọc

Ngoài việc ghi lại danh sách những quyển đã đọc, hãy ghi chép những thứ hay trong khi đọc. Một câu nói hay, một kiến thức thú vị, một dòng bạn tâm đắc. Tôi thường dùng Notion để ghi chép khi đọc vì nó rất thuận tiện cho việc tra cứu và đọc lại khi cần. Bạn có thể ghi chép trong sổ tay (hơi khó tra cứu, nhưng có thú vui riêng của nó), dùng Evernote, OneNote, v.v.

Ngoài ra, hãy thử viết cảm nghĩ và bàn luận của mình về quyển sách đó. Ghi ra những gì bạn thích và không thích, những đoạn khiến bạn thấy đồng cảm và tâm đắc, bình luận về những đoạn mà bạn highlight. Sau đó, bạn có thể đăng lên tài khoản bookstagram, hội nhóm sách trên Facebook, hoặc cho blog cá nhân của bạn.

Theo dõi những nguồn cảm hứng đọc

Bạn có thể tìm cảm hứng đọc bằng cách nghe podcast, xem các kênh BookTube, theo dõi các Bookstagrammers, tham gia các hội nhóm đọc sách Facebook, tham gia câu lạc bộ sách ngoài đời…

Rủ bạn bè, người thân đọc cùng

Hãy rủ những người đặc biệt trong cuộc sống của bạn cùng chia sẻ sở thích đọc sách với mình. Bạn có thể mua những đầu sách mà mọi người cùng yêu thích, ngồi đọc cùng nhau và nói chuyện về nội dung sách.

Đọc với một tâm thế thoải mái

Thay vì đọc với một tâm thế ép buộc—vì ai cũng đọc nên mình cần phải đọc, vì mình cần phải giỏi, vì mình đang có một cái blog review sách nên phải lên bài đều đặn—hãy thử đọc với tâm thế thoải mái hơn.

Đôi khi chúng ta cần động lực mang hơi hướng thực tế như việc giỏi lên, từ áp lực bởi người xung quanh, từ dự án riêng, nhưng nếu bạn quá coi trọng những yếu tố bên ngoài như vậy, bạn có thể cảm thấy chán nản và ghét bỏ việc đọc.

Đặt mục tiêu cho việc đọc

Nếu bạn là người có nhiều động lực hơn khi có mục tiêu cụ thể, hãy thử đặt mục tiêu cho việc đọc. Mục tiêu có thể là số quyển sách, số trang, hoặc thời gian đọc mỗi ngày. Ví dụ, đọc 10 quyển sách một năm, 10 trang/ngày, 15 phút/ngày…

Bạn nên đặt mục tiêu thực tế dựa trên thói quen đọc hiện tại của mình. Nếu bạn là người chẳng bao giờ đọc sách và bỗng dưng muốn duy trì thói quen đọc, thì mục tiêu hoàn thành 50 quyển/năm có thể là quá nhiều.

Gắn liền việc đọc với một thời điểm cụ thể hoặc một thói quen

Một cách duy trì thói quen rất hiệu quả là gắn thói quen đó với một thói quen mà bạn đã có được. Ví dụ, mỗi sáng bạn đều uống cà phê, thì thói quen uống cà phê đó là thói quen bạn đã có được. Bạn có thể gắn việc đọc với thói quen này bằng cách đọc 10 trang sau khi uống cà phê.

Zeen Social Icons