Khi nhìn lại 2021, tôi phát hiện ra mình cũng viết xuống khá nhiều mấy thứ nho nhỏ từ những quan sát, trải nghiệm trong năm qua.

Lựa chọn và hành động

Phần lớn hành động đều là do ta đưa ra lựa chọn. Nên làm hay không nên làm, ta có thời gian suy nghĩ. Đôi khi đổ lỗi cho yếu tố bên ngoài nào khác cũng chỉ là biện hộ thôi.

Tôi đăng story đoạn “We don’t have a choice” trong Bye-Bye Darling của BORNS, và một người bạn nhắn lại “We do have a choice”. Chỉ là một khoảnh khắc nhỏ thôi, một lời nói đùa thôi, mà lúc đó tôi nghĩ: Ừ thì ta luôn có lựa chọn mà. Dù cho cố tình trì hoãn không đưa ra quyết định, thì ngay cả sự đắn đo cũng đã ngầm ý một lựa chọn rồi.

Vui và phù hợp

Vui và phù hợp có thể là tiêu chí để lựa chọn làm gì, xem gì, đọc gì, muốn gì, hoặc gì gì tiếp theo.

Thay vì chạy theo một hình mẫu, tiêu chuẩn thiếu thực tế, hãy làm thứ khiến bản thân cảm thấy vui và tận hưởng giây phút đó. Thứ khiến người khác vui chưa chắc đã phù hợp với mình.

Những thứ chúng ta tiêu thụ trong ngày liệu có phù hợp với bản thân không? Có làm ta thấy vui không? Khi gặp bế tắc hay khó khăn, tôi thường tìm những nguồn thông tin giúp mình tìm ra những giải pháp cho vấn đề đó, hoặc chí ít tìm sự an ủi cảm thông. Nhưng cũng có khi những nguồn thông tin ấy mang đến tác dụng ngược. Thay vì tìm được lời khuyên, thấy nhẹ nhõm, tôi thấy buồn bã và khó chịu thêm. Những lúc ấy tôi lọc ra thứ thực sự phù hợp và hữu ích cho mình.

Điều mình muốn chưa chắc đã làm mình thấy vui, chưa chắc đã phù hợp với mình. Cảm xúc và cơ thể không đi đôi với nhau là chuyện bình thường.

Chuyện không có gì nghiêm trọng đến thế

Ở thời điểm bắt gặp những điều mới, tôi đã sợ hãi và lo lắng không ngừng. Một thời gian sau nhìn lại, điều ấy lại trở thành bình thường và tôi thấy nhẹ nhõm. Sau này khi đối diện với những điều không thoải mái, tôi vẫn tự nhắc mình điều này.

Sự thay đổi

Chúng ta sẽ thấy khó chịu và không thoải mái đối với những thay đổi, đặc biệt khi những thay đổi đó không hợp ý mình. Nhưng bằng cách này hay cách khác, ta sẽ tìm được cách thích nghi với chúng.

À, niềm tin có thể thay đổi với thời gian. Điều tôi tin năm trước, năm nay nhìn lại có lẽ đã khác.

Điều mình tin và điều mình làm chưa chắc đã giống nhau

Tôi bắt gặp bản thân bị cảm xúc chi phối, đưa ra những quyết định và hành động trái ngược với điều mình tin và cho là đúng. Tôi cũng bắt gặp những người hành động trái ngược với điều họ nói ra và tin vào.

Phải chăng thứ mà chúng ta theo đuổi và tin tưởng là thứ mà ta mơ ước về, còn bản thân thật chúng ta chưa đạt đến được cái mức ấy nên ta thấy buồn phiền? Con người thì làm sao có thể luôn hoàn hảo, luôn đúng hướng được. Sẽ có những lúc ta thấy mình vô lý kinh khủng, nhưng cũng không biết làm sao để hợp lý cả.

Hời hợt

Làm thứ gì nửa vời, hời hợt đều khiến bản thân không tự thấy vui. Làm thứ gì nửa vời, hời hợt thì người khác có thể nhìn ra được. Người khác hoặc là chẳng để tâm, hoặc là họ nhắm mắt cho qua mà thôi.

Nếu một người đủ khôn ranh để có thể lấp liếm bằng sự sơ sài hay lừa dối, thì cũng sẽ có người đủ tinh tường để nhận ra những điều không chân thật.

Người lạ

Đôi khi mở lòng với người lạ dễ hơn với người thân quen. Có lẽ do khoảng cách vừa đủ để không phải lo sợ người ta nhìn thấu hay thấy buồn lo cho mình. Ta nói được những điều mà có lẽ chẳng bao giờ chia sẻ cùng ai. Có vài người bạn viết thư cùng (pen pal) cũng vui, mặc dù bạn sẽ phải bất ngờ với độ thảo mai của bản thân.

Kế hoạch và mục tiêu là công cụ, đừng phức tạp hóa chúng lên

Quan trọng vẫn là mình có thực hiện không. Bắt đầu đơn giản. Tập trung vào hành động đều đặn hơn là tập trung vào công cụ.

Trước đây, tôi thường sẽ cố tìm mọi cách để khiến công cụ trở nên nhiều-cái-trong-một. Khi dùng Notion hay Obsidian, tôi sẽ cố gắng biến chúng thành tracker + to-do list + bla bla. Cuối cùng là có rất nhiều thứ bỏ dở không dùng đến, vừa tốn thời gian customize vừa lỡ dở chuyện theo dõi bản thân.

Bây giờ, tôi cứ đơn giản hóa thôi. Tôi dùng các ứng dụng, công cụ chuyên biệt để làm đúng chức năng của chúng và không phải nghĩ nhiều chuyện set up. Cái gì lúc dùng thấy cần mới bắt đầu thêm vào hoặc tìm kiếm giải pháp phức tạp hơn.

Trước khi mua một món đồ gì đó…

…hãy nghĩ đến việc sau này sẽ để nó ở đâu, cất trữ, vệ sinh, hay bỏ nó đi như thế nào. Có những món lúc trưng thì trông đẹp nhưng lúc dọn thì rất khó vệ sinh. Có những món mua vì yêu thích tạm thời, nhưng lúc chán lại không biết để chúng ở đâu.

Theo dõi bản thân

Dạo này tôi cố gắng theo dõi bản thân nhiều hơn, không chỉ là thói quen mà còn là tâm trạng, cơ thể, và cả chi tiêu.

Các bạn nữ nên dùng app Flo để theo dõi cơ thể. Cơ thể và tâm trạng nữ giới bị ảnh hưởng lớn bởi hormones, và hormones thì liên quan tới chu kì của bạn. Nhờ theo dõi mà bạn có thể biết được phần nào tại sao hôm đó mình cáu kỉnh, tràn đầy năng lượng, hay uể oải không muốn làm gì.

Tôi dùng Money Lover và Buckets để theo dõi chi tiêu. Trước đây thì không nghĩ nhiều, nhưng dạo này đã tập được thói quen dùng mấy apps này rồi. Cảm thấy chi tiêu có mục đích hẳn.

Sự khác biệt

Hôm trước, tôi đọc một chủ đề trên reddit về một người than phiền là tại sao họ có một người bạn hay than thở quá, vô tình thấy được bình luận này:

“I honestly like complaining to some degree and had great, healthy relationships with people who are similar to me. There are people that will probably find me annoyingly negative, but I will also find these people annoyingly positive. And there are people that complain even more than me, or in a different way, that I’ll find too annoying. The solution is just to date and befriend people you mix well with, not that people that complain a lot are inherently unable to have relationships.”

Tạm dịch là sẽ có những người thấy bạn than thở nhiều quá, tiêu cực một cách phiền phức quá. Nhưng có khi bạn lại thấy mấy người đó sao tích cực quá lố quá đi. Và bạn cũng sẽ thấy phiền khi gặp người than thở nhiều hơn bạn. Vậy một góc nhìn khác là hãy bên cạnh những người mà bạn thấy phù hợp, chứ không phải nghĩ rằng ai hay than thở cũng không có ai ưa.

Tôi đã từng chế giễu hay tranh cãi với những đứa bạn truyền thống và bảo thủ hơn. Giờ nhận ra mỗi con người là một cá thể khác biệt, lớn lên trong những môi trường rất khác, tiếp xúc với những thứ rất khác, có những trải nghiệm rất khác. Tất cả những biến số đó khiến việc hòa hợp hoàn toàn là rất khó. Và tôi đang học cách thỏa hiệp bằng cách này hay cách khác. Có khi chỉ là thừa nhận một quan điểm trái ngược và không giãy nảy lên, vậy thôi.

Don’t judge the book by its cover

Cũng như có quyển sách bề ngoài xấu xí, cũ nát nhưng đọc mãi không quên được, có quyển bìa minh hoạ rất đẹp nhưng đọc mãi không vào, thì con người cũng vậy.

Tôi đã gặp nhiều người đẹp, thơm phức, chỉn chu nhưng đối xử với người khác rất thô lỗ. Tôi đã gặp những người rất đơn giản, “bèo” nữa, nhưng rất tử tế và lịch thiệp. Tôi đã gặp những người đối xử với người ngoài rất ga lăng nhưng rất hời hợt với người thương yêu. Tôi đã gặp người chẳng học cao nhưng luôn đúng giờ và đi đâu cũng nhớ mua phần đồ ăn về cho người ở nhà. Có người quảng giao và mồm mép khi ở bên ngoài nhưng khi thân thiết hơn mới lộ sự sỗ sàng không ý tứ. Có người mới nhìn chẳng thân thiện cởi mở nhưng tiếp xúc nhiều hơn lại rất ngọt ngào.

Chắc hẳn tất cả những người ấy, cũng sẽ có những lúc họ hành xử đúng với vẻ bên ngoài, và những lúc tôi bắt gặp họ hành xử ngược lại là do mệt mỏi hay yếu tố sâu xa nào đó.

Thật khó để biết một quyển sách có hay hay không khi chưa đọc nó, và cũng thật khó để biết một người ra sao khi ta còn chưa tiếp xúc với họ đủ. Một điều tôi biết là: những thứ ở bề mặt—ngoại hình, bộ quần áo, hành động lịch lãm, nhà lầu, xe xịn, miệng lưỡi khéo léo…—không một thứ nào có thể nói lên bản chất thật của một con người.

Hành động to hơn lời nói

Khi nào phải bối rối vì hành động và lời nói không khớp nhau, hãy cứ tin hành động. Lời nói có thể bọc đường, lươn lẹo, rất dễ tuôn ra trong vài giây, nói trăm câu cũng được. Hành động thì phải mất công, phải nỗ lực, giả vờ một đôi lần thôi chứ đâu thể giả vờ hoài, nên sẽ là những tín hiệu rõ ràng nhất. Actions are indeed louder than words.

Khoảng nghỉ

Khi nhận thấy bản thân mình có những dấu hiệu của burnout, mất động lực và mỏi mệt, tôi học cách không ép bản thân quá nhiều nữa. Những khoảng thời gian như vậy đến sau mỗi lần tôi cố gắng quá sức và lờ đi giới hạn của bản thân. Bây giờ, tôi cho mình đi dạo khi thấy mệt mỏi, nghỉ ngơi vào các ngày cuối tuần, hay đi thử một nơi mới một mình vào ngày thứ Sáu.

Kỷ niệm chỉ là để lâu lâu nhìn về

Dù viết nhiều nội dung liên quan đến lưu giữ kỷ niệm, tôi nghĩ rằng kỷ niệm nên là để nhìn về những lúc rảnh rang, hoài niệm, chứ không thể được dùng để níu kéo thứ gì mãi.

“If you focus on what you’ve left behind, you’ll never be able to see what lies ahead.”

Ratatouille (2007)

Có những tình bạn, tình cảm đã từng rất đẹp, và tôi níu kéo chúng trong sự nuối tiếc. Nhưng sẽ luôn có những thay đổi mà chúng ta không điều khiển được. Khoảnh khắc trùm mền ăn mì cùng nhau đã qua rồi, chuyến đi dạo cũng đã qua rồi, ở thời điểm hiện tại có khi người ta đã thành những con thuyền trôi dạt dần ra xa nhau.

Nhiều khi ta lo quay đầu lại quá nên quên mất rằng có những điều ở ngay bên cạnh và ở phía trước đáng nhìn hơn.

Lớp 1

Mỗi khi gặp một người mới, tôi lại thấy mình quay trở về lớp 1. Mỗi con người là một quyển sách mới mà ta phải dành thời gian để đọc và hiểu. Con người là những sinh vật khó hiểu, là những quyển sách nhiều tầng nghĩa. Mọi điều rút ra từ những mối quan hệ trước đều trở thành lí thuyết. Phải luôn lắng nghe và quan sát để trở thành một người đồng hành đáng đi cùng. Có những chuyến đi rất ngắn, cũng có những chuyến đi dài. Mọi chuyến đi đều là những trải nghiệm đáng nhớ.

Bong bóng màu hồng

Khi dạo Facebook và thấy một bài đăng người ta hùa vào chửi một người nổi tiếng, tôi đã nghĩ vầy: Sao con người ta cay độc quá trong khi họ chưa chắc đã hiểu rõ ai đúng ai sai, gì mới là sự thật. Nhưng đồng thời lúc đó tôi cũng nghĩ: không phải tất cả mọi chuyện đều được sắp đặt êm xuôi mãi, không phải ai xung quanh cũng tử tế và nhỏ nhẹ, không phải chuyện gì cũng có giải pháp ổn thỏa ngay được. Cứ mãi né tránh hay bảo vệ bản thân khỏi tiêu cực và khó khăn, liệu ta có dễ gục ngã hơn không?

Con người không sống trong một bong bóng màu hồng mãi. Lúc nhỏ thì may ra có người lớn bảo bọc. Cuối cùng ai cũng trở thành người lớn. Lúc đó, bị đẩy ra khỏi bong bóng màu hồng, ta ngơ ngác và yếu đuối. Người thì suy sụp không đứng dậy nổi, người thì xù lông nhím và phản ứng quá mức. Nếu đã quen với những mảng màu xám bên ngoài bong bóng kia, có khi ta lại dễ dàng trải qua mọi chuyện một cách bình thản hơn.

“Courage can be developed. But it cannot be nurtured in an environment that eliminates all risks, all difficulty, all dangers.”

– The Millionaire Next Door


Thoáng cái đã hết năm. 2021 như một bản nháp mà nhiều người muốn xé đi. Phần lớn thời gian ta dành ở nhà, mọi thứ bị đình trệ. Có người may mắn ấm no, có những mảnh đời chật vật, có những lời ly biệt không hẹn trước. Trong tất cả những điều xảy ra ấy, tôi may mắn có được thời gian cho bản thân và có thể viết xuống những dòng này. Đăng lên đây để lâu lâu đọc lại cho nhớ (hoặc để nổi da gà và muốn xóa bài ngay lập tức). Còn rất nhiều rất nhiều những câu chữ ngắt quãng nữa và tôi hi vọng có thể hoàn thiện chúng trong năm sau.