5 mẹo sử dụng Notion hiệu quả (P1)

Notion là ứng dụng ghi chép thông minh với nhiều tính năng linh hoạt. Nếu bạn chưa biết về Notion, bạn có thể tham khảo bài viết này. Còn nếu bạn đã biết các chức năng cơ bản của Notion, bạn có thể đọc 5 mẹo Notion dưới đây để sử dụng app hiệu quả hơn.

Notion Web Clipper

Notion Web Clipper là extension cho Notion trên trình duyệt máy tính. Nếu gặp một bài viết hay, bạn có thể dùng extension này để gửi thẳng bài viết vào Notion của mình. Mục đích là để lưu những bài chưa kịp đọc hoặc để sau này xem lại dễ hơn.

Cách sử dụng cũng đơn giản. Bạn chỉ cần cài Notion Web Clipper vào trình duyệt web của mình. Để lưu bài viết, bạn nhấn vào biểu tượng Notion nhỏ trên cùng bên phải, hoặc nhấn Ctrl + Shift + K. Bạn lưu tên theo ý muốn, chọn trang lưu, chọn Workspace là xong. Bạn nên tạo một trang (page) trong Notion trước để khi cần vào đọc sẽ có ngay.

notion web clipper
Dùng Notion Web Clipper để lưu bài viết ngay trên trình duyệt

Notion Web Clipper chỉ dùng trên máy tính, và hoàn toàn miễn phí. Đối với điện thoại, bạn chỉ cần nhấn Chia sẻ (Share), sau đó chọn biểu tượng Notion, lưu thông tin cần thiết là xong.

Dùng Notion làm kho lưu trữ ý tưởng

Cũng như bao ứng dụng ghi chú khác, Notion là một nơi lí tưởng để bạn lưu trữ ý tưởng, suy nghĩ của mình. Nếu bạn để ý, ý tưởng thường đến vào những lúc chúng ta không ngờ tới. Ví dụ như khi bạn lên giường chuẩn bị đi ngủ, hay khi bạn đang ngồi trên xe bus. Nếu chúng ta không ghi chép lại ở một nơi đáng tin cậy, thì trí nhớ sẽ nhanh chóng quên đi ý tưởng ấy.

Bạn nên tạo một trang Notion dùng để lưu trữ tất cả những ý tưởng nảy ra trong đầu. Khi cần, bạn có thể ghi nhanh vào bất kì thiết bị nào gần bạn nhất. Điều này đặc biệt hữu ích đối với các bạn làm trong những ngành sáng tạo. Bạn cũng có thể đánh dấu Favorites để có thể vào trang ý tưởng này một cách nhanh chóng.

Tạo mục lục cho Notion

Đôi khi, chúng ta phải ghi chép rất nhiều thông tin trong một trang, và việc tìm lại thông tin rất mất thời gian. Vì thế, bạn nên tạo mục lục ở đầu mỗi trang để có thể đi thẳng đến mục nào đó khi cần.

Bạn chỉ cần gõ:

/toc
hoặc
/table of contents

…và chọn Table of contents là xong.

Kết quả là bạn sẽ có được một danh sách mục lục như thế này. Mục lục sẽ tự động cập nhật. Nếu muốn đi đến phần nào, bạn chỉ cần nhấn vào link.

notion table of contents
Mục lục trong Notion

Thêm icon và ảnh bìa cho Notion

Notion cho phép người dùng thêm icon và ảnh bìa cho mỗi trang viết. Bạn có thể dùng chức năng này để việc ghi chép đỡ nhàm chán, và cũng làm cho không gian làm việc của mình đẹp hơn.

Đối với icon, bạn có thể chọn sẵn Emoji trong Notion, tự tìm icon và tải lên, hoặc dán link vào. Tôi thường lên trang FlaticonNotion Vip để tải icon miễn phí. Còn đối với ảnh bìa, bạn có thể chọn hình có sẵn, tự tải hình của mình, dán link, hoặc chọn hình trên Unsplash.

Dưới đây là ví dụ của việc dùng icon và ảnh bìa. Để trang nhìn sinh động hơn, tôi thêm icon vali, và thêm ảnh bìa xe.

notion icon cover
Thêm icon và cover vào trang Notion

Đồng bộ highlights từ Kindle vào Notion

Nếu bạn là người hay đọc sách trên Kindle, thì có lẽ bạn sẽ thấy mình thường highlight xong…để đó. Lí do vì việc đọc lại highlights trên Kindle hơi khó, đặc biệt với sách không phải mua thẳng từ Amazon. Thao tác trên Kindle cũng chậm hơn so với máy tính hoặc điện thoại. Nếu bạn muốn đồng bộ highlights của mình lên điện thoại hoặc máy tính, bạn có thể dùng 2 cách sau:

Dùng Readwise

Readwise là extension lưu trữ highlights của bạn trên Kindle, sau đó tự động gửi cho bạn những highlights đã lưu. Nhờ vậy, bạn sẽ không bị quên mất mình đã lưu những gì, và có thể review lại chúng thường xuyên. Tuy nhiên, đây là ứng dụng trả phí theo tháng, mất khoảng $5-$8, nên tôi dùng cách thủ công hơn ở bên dưới. Readwise có cho thời gian dùng thử, bạn có thể trải nghiệm để xem có phù hợp với mình hay không.

Dùng Notionfy

Để set up Notionfy, bạn tham khảo link sau: https://github.com/yannick-cw/notionfy, hoặc bạn có thể tham khảo bài hướng dẫn chi tiết của tôi tại đây.

Nếu dùng cách này, khi bạn cắm Kindle vào máy, Highlights tự động lưu vào trang mà bạn tạo trong Notion. Tuy nhiên, set up lúc đầu hơi khó, sẽ phù hợp cho bạn nào thích mày mò công nghệ hơn. Và bạn buộc phải cắm Kindle vào máy tính thì mới đồng bộ được. Về điểm này thì ứng dụng trả phí như Readwise sẽ tiện hơn.

Mọi thứ được lưu theo trình tự thời gian mà bạn highlight, như hình dưới:

notionfy
Dùng Notionfy để đồng bộ highlights từ Kindle vào Notion

Tôi thích lưu theo từng tựa sách hơn là theo thời gian, và hi vọng tác giả sẽ cải tiến thêm điểm này.

Nếu bạn là fan của ứng dụng, hãy thử áp dụng 5 mẹo Notion trên xem có hợp với mình không nhé!


Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nếu thấy bài viết có ích, bạn hãy Subscribe để nhận thông báo về bài viết mới hoặc Donate để ủng hộ blog nhé.

Đọc tiếp: 10 mẹo sử dụng Notion hiệu quả (P2)

  1. Cảm ơn tác giả, trước đây mình dùng Word của Google vì có mục lục nên ghi chép khoa học dễ xem lại hơn, giờ có thêm cách làm mục lục trong Notion thì tốt quá
    Chúc ac nhiều sức khỏe và ra nhiều bài biết thực tế và hữu ích 🙂

    1. Cảm ơn bạn nhé. Nếu bạn dùng Notion trên Chrome thì có thể cài extension Notion Boost để có mục lục kế bên lúc ghi chép luôn, không phải kéo lên đầu trang nữa.

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zeen Social Icons