Hiệu sách nhỏ ở Paris là một quyển sách rất tình cảm mà bạn có thể đọc trong mùa giãn cách xã hội này. Xuyên suốt sách là hành trình chữa lành trái tim, là tình yêu dành cho sách, văn chương và chuyện đọc, là tình bạn thân mến và kì lạ giữa những người bạn đồng hành. Bài viết này tập hợp những suy nghĩ rời rạc và những câu trích dẫn tôi thích từ HSNOP.

Nhân vật chính của sách là Jean Perdu—người có một con tàu chất đầy những quyển sách mang tên Hiệu thuốc văn chương, nơi ông là dược sĩ kê đơn, còn sách là phương thuốc chữa lành những rối loạn cảm xúc khó gọi tên. Để kê đúng cho từng con người bước lên con thuyền ấy, cần sự quan sát đầy tinh tế và thấu cảm.

“Đọc sách—một hành trình bất tận…sẽ khiến cho con người ôn nhu hơn cũng như tử tế, tình cảm hơn.”


Ngoài tình yêu dành cho sách vở, Jean còn một tình yêu khác khiến trái tim ông khép lại trong khoảng thời gian rất dài. Mối tình của Jean không phải là mối quan hệ lành mạnh và đúng mực nhất thế gian, nhưng những người trong cuộc luôn yêu rất trọn vẹn. Từ một người suy nghĩ nhiều, hay giấu đi tâm trạng bằng bộ mặt lạnh lùng và những câu từ sáo rỗng, Jean được người yêu dẫn dắt thoát ra khỏi những suy nghĩ và nỗi ám ảnh phải làm đúng, để được hành động theo cảm nhận và khát khao của bản thân, để học cách “để đầu óc trống rỗng khi làm tình, khi vuốt ve, khi nhảy hay nói chuyện về cảm xúc.”

“Đừng nghĩ nữa, Jean! Cảm nhận đi!”

Suy nghĩ đôi khi sẽ giết chết cảm xúc trong khoảnh khắc. Chúng khiến ta đưa những điều cần nói, cần diễn tả qua một bộ lọc—có thể là bọc đường, có thể là thêm bớt. Chúng khiến ta kìm nén những chân thành của bản thân mình để cuối cùng lại đeo lên chiếc mặt nạ của lịch sự và giả dối. Tình yêu nên là nơi ta có thể rũ bỏ chiếc mặt nạ ấy đi và hành động trọn vẹn hơn.

“Tình yêu là ngôi nhà. Mọi thứ trong nhà đều nên được dùng đến – đừng để dành hay rắc long não bất cứ thứ gì. Chỉ khi ta sống trọn vẹn trong một ngôi nhà, không tránh một căn phòng hay cánh cửa nào, chúng ta mới thực sự sống. Tranh cãi hay nhẹ nhàng chạm vào nhau đều quan trọng cả; cả việc ôm nhau thật chặt hay xua đuổi người kia. Ta phải sử dụng từng căn phòng của tình yêu. Nếu không, bóng ma và những đồn đoán sẽ sinh sôi. Những căn phòng với ngôi nhà bị bỏ bê có thể trở nên quỷ quyệt và độc địa….”


Một trái tim dành cho hai người—ranh giới giữa sự tham lam, lăng nhăng và tình yêu vị tha rốt cuộc là như thế nào? Manon yêu cả hai người nhưng với ai cũng đầy thương mến, khiến mọi sự không thể định nghĩa đúng sai một cách rõ ràng. Cô yêu như một con mèo, “không dè dặt, không ràng buộc – và cũng không hứa hẹn điều gì.”

“Người ta vẫn nói rằng tiếng rừ rừ của loài mèo có thể chắp lại một mớ xương gãy và làm sống lại một tâm hồn đã hóa đá; nhưng khi đã xong xuôi, chúng sẽ bỏ đi không một lần nhìn lại. Loài mèo yêu không dè dặt, không ràng buộc – và cũng không hứa hẹn điều gì.”

Có lẽ, cho dù người ta có biết được thế nào là tử tế, tốt đẹp, hay cái gì là sai trái, tổn thương, thì cũng chưa chắc người ta sẽ hành động theo cái đúng và tốt nhất ở thời điểm hiện tại. Tính cách, hoàn cảnh, những tổn thương ở quá khứ, những cảm xúc thất thường, genes, tâm lí, tất cả đều có thể khiến một người, dù thông tường tất cả, cũng không thể hành xử cho đúng cái chuẩn mực mà xã hội đặt ra được.


Luc và Jean, hai người đàn ông với hai thái cực khác nhau—một người như lửa cháy và rượu mạnh, không bao giờ lạnh lùng, không bao giờ hờ hững, một người lại che giấu cảm xúc và sống kìm nén—họ cùng chia sẻ một điểm chung: tình yêu mãnh liệt và vị tha, dù rằng tình yêu đó khiến họ thấy trống vắng, hụt hẫng, và bất an. Những tình yêu như vậy liệu có còn tồn tại?


Như khi quan sát khách và kê đơn thuốc, trong tình yêu, Jean là một người yêu tinh tế, chậm rãi, và biết trân trọng người bên cạnh mình.

Tôi thích hành trình mà Jean trải qua những đau buồn và nuối tiếc từ mối tình cũ, trải nghiệm và cảm nhận chúng, để rồi một ngày khi chúng không còn quặn thắt và giày vò nữa, mới tiếp nhận người bạn đồng hành khác. Ông không vội vàng chạy theo những khát khao ngắn hạn để rồi phải cảm thấy trống rỗng và nuối tiếc ngay say đó, mà từ từ gặm nhấm nỗi đau và để chúng lành lặn, và khi đã chắc chắn về những cảm xúc của chính mình, mới biên một lá thư cho người bạn mới. Như vậy, không ai có thể thay thế vị trí một ai, mà mỗi người đều có vị trí riêng, không tốt hơn cũng không tệ hơn.

Những người mà chúng ta đã yêu, dù ngắn hay dài, dù đau khổ hay hạnh phúc, dù dài lâu hay chưa kịp bắt đầu, đều khiến chúng ta trở thành một người của ngày hôm nay.

”– Yêu hay không yêu có lẽ nên như cà phê hay trà; người ta nên được quyền quyết định. Nếu không thì sao ta có thể quên được những người phụ nữ đã chết và những người ta đã đánh mất?

– Có lẽ ta không nên quên.

Mang theo họ trong ta… Mang theo tất cả. Những tình yêu tan vỡ và đã chết của ta. Chỉ có họ mới làm cho ta trọn vẹn.

Từng tình yêu một, từng cái chết một, từng con người mà ta đã quen. Họ là những dòng sông đổ đầy đại dương tâm hồn của ta. Nếu ta mà quên họ thi đại dương ấy cũng sẽ cạn khô.”

“Cái chết không quan trọng.

Nó chẳng làm cuộc sống suy suyển.

Chúng ta vẫn sẽ mãi là những gì chúng ta từng là với nhau.”

“Em nói đúng, Manon.

Mọi thứ vẫn còn nguyên.

Thời gian hai ta bên nhau sẽ mãi bất tử, vĩnh cửu, và cuộc sống sẽ không bao giờ ngừng lại.

Cái chết của những người ta yêu chỉ đơn thuần là ngưỡng cửa chắn giữa một kết thúc và một khởi đầu.”


Không chỉ về tình yêu, quyển sách còn là về tình bạn giữa Jean và Max, Cuneo, Samy… Max vốn dĩ sinh ra trong một gia đình với cuộc hôn nhân đã nguội tàn, và cậu chỉ là phương tiện để níu kéo, hàn gắn. Jean đã giúp Max hiểu ra đó không phải lỗi của cậu khi cha không yêu cậu, rằng đôi khi người ta hi vọng chút tình yêu ẩn chứa trong sự tàn nhẫn, nhưng vốn dĩ đó chẳng phải tình yêu nữa rồi.

“Ta đâu thể quyết định được việc yêu. Ta đâu thể bắt ép được ai yêu ta. Chẳng có công thức bí mật gì hết, chỉ có tình yêu mà thôi.”

Cuneo và Samy, những người bạn vô tình quen trên chuyến hành trình lênh đênh trên con thuyền Hiệu sách văn chương, hay những người sống ở căn nhà số 27, họ đều thú vị. Mỗi người chia sẻ những nét rất riêng, khiến cho câu chuyện thêm phần đa dạng, tình cảm gần gũi giữa người với người cũng hiện lên rõ hơn.


Jean đã sống lại sau những năm tháng khép kín và né tránh mọi khát khao của bản thân. Đó là cả một hành trình với đầy những nuối tiếc, dằn vặt, né tránh, và được giải quyết bởi những thúc đẩy và sự đối mặt. Cuối cùng thì, ông cũng đã có thể tìm lại cảm xúc mang tên “sống”.

“Niềm khuây khỏa căn Bếp – cái cảm xúc khi một bữa ăn ngon lành đang sôi lục bục trên lò, phủ hơi nước lên cửa sổ; cảm xúc khi vào bất cứ lúc nào người ta yêu sẽ ngồi xuống cùng ăn tối với ta và, giữa những muỗng đầy thức ăn, nhìn ta bằng ánh mắt hạnh phúc. (Cảm xúc này còn được gọi là sống.)”

Kết

Hiệu sách nhỏ ở Paris là một chốn bình an, nơi chúng ta có thể đọc về những xúc cảm lãng mạn trong tình yêu, về sự tinh tế của văn chương, về tình bạn thân mến. Rất đáng đọc.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nếu thấy blog hữu ích, bạn có thể ủng hộ bằng ly cà phê qua Momo hoặc Buy me a coffee.