Nếu có ai hỏi tôi một quyển sách hay về tìm hiểu cơ thể, bản thân, sex thì tôi sẽ giới thiệu Come As You Are.

Mặc dù bây giờ có vô vàn kênh thông tin và tư tưởng cũng cởi mở hơn, chuyện nhiều người ngại ngùng, giấu diếm, thắc mắc khi nhắc đến những chủ đề trên vẫn rất phổ biến.

Người ta thường nói nhiều đến những thứ bề mặt bên ngoài (ngăn ngừa hậu quả, hành vi, tần suất…). Nhưng như vậy là không đủ để hiểu mình và không đủ để tạo cho mình những trải nghiệm thoải mái hơn. Ta cần quan tâm đến vô vàn yếu tố khác nữa: những gì diễn ra bên trong người (tâm lý, sinh học…), môi trường xung quanh (văn hóa, xã hội, những người bên cạnh chúng ta…).

Come As You Are đề cập rất nhiều đến những khía cạnh ít được nhắc đến ấy, nhờ đọc nó mà tôi mở mang và hiểu chính mình hơn.

Ai nên đọc quyển này? Các bạn nữ và các bạn có partner là nữ. Sách có nhiều câu chuyện của các cặp cả thẳng lẫn queer, nên ai cũng có thể đọc được. Các bạn nữ nên đọc để hiểu thêm về mình, còn các bạn có partner là nữ nên đọc để hiểu thêm về partner. Chỉ khi yêu và hiểu bản thân mình thì bạn mới có thể nói và làm được điều mình muốn.

Có 3 ý chính mà tôi rất thích khi đọc Come As You Are:

  1. Chúng ta đều khác biệt, và đều bình thường.
  2. Chúng ta đều có thắng và tay ga.
  3. Thắng và tay ga bị ảnh hưởng bởi context.

Chúng ta đều khác biệt, đều bình thường

Hiểu lầm & đồn đại khiến chúng ta chưa hiểu mình

Ở phần đầu của sách, tác giả nói rất rõ về cơ thể của nữ giới, đồng thời giải thích về những hiểu lầm, đồn đại liên quan đến cơ thể và sex. Ví dụ, chuyện bộ phận cơ thể phải trắng, nhẵn nhụi, không có cái gì thừa ra là thiếu thực tế vì cơ thể chúng ta mỗi người mỗi khác. Hay chuyện màng trinh thực ra chỉ là một bộ phận thừa–mấy cái minh chứng trinh nguyên, trong sạch là do văn hóa gán những ý nghĩa, ẩn dụ vào nó. Hay chuyện phần lớn phụ nữ không thể orgasm chỉ bằng đưa vào trong mà còn phải dựa vào clit và những kích thích khác nữa–điều mà truyền thông, phim ảnh chỉ tập trung vào vế trước.

Khi tiếp xúc mãi với những hiểu lầm tiêu cực về cơ thể mình, với những chuẩn mực và văn hóa phẩm không thực tế, những tư tưởng ấy lâu dài ăn sâu vào đầu, gây cản trở cho việc ta yêu và thoải mái với chính cơ thể của mình.

Cơ thể bạn là một khu vườn

Trong Come As You Are có một phép ẩn dụ rất hay: hãy nghĩ về cơ thể của chúng ta như một khu vườn. Khi sinh ra, mỗi người được ban cho một mảnh đất. Người thân và môi trường xung quanh sẽ thay ta chăm bẵm mảnh vườn đó. Ta không thể lựa chọn một mảnh vườn ngon, đẹp, màu mỡ. Ta cũng không thể thay đổi cách mà mảnh vườn được chăm bón lúc ta chưa tự mình làm được. Chỉ khi lớn và đủ trưởng thành, lúc này ta có quyền quyết định cách mình chăm sóc mảnh vườn ấy.

Khi còn nhỏ, rất nhiều trong số chúng ta sẽ phải tiếp xúc với những ý kiến tiêu cực hay sai lệch về cơ thể của mình: có những bộ phận phải giấu hay che đi, sex là thứ gì đó ghê tởm và hư hỏng… Có rất nhiều yếu tố, cả bên ngoài lẫn bên trong, ảnh hưởng đến quá trình ta lớn lên và trải nghiệm cuộc sống—công việc, môi trường, gia đình, các mối quan hệ, sự thay đổi tâm sinh lý. Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng đến góc nhìn của ta đối với giới tính, cơ thể, và sex. Nhưng khi đã lớn, được tiếp xúc với những nguồn thông tin tốt, ta nên tự học cách chắt lọc, điều chỉnh, để chọn cho mình một quan điểm và cuộc sống phù hợp, để yêu bản thân và thoải mái với nó, để hiểu điều gì mới làm mình vui.

Một điều nữa là, khi chăm sóc khu vườn, bạn chỉ có thể tìm cách tạo điều kiện tốt nhất cho cây phát triển (chăm bón, bắt sâu, xịt thuốc…), chứ không thể ép nó phải đẹp phải lớn nhanh được. Cơ thể bạn và trí óc bạn khi sinh ra đã là thế, sao có thể đòi hỏi phải đẹp như người mẫu hay may mắn giỏi giang như “con nhà người ta”. Điều bạn có thể làm là yêu chiều, trau dồi bản thân nhiều hơn.

Phép ẩn dụ này làm tôi nhớ đến câu chuyện người cha nghiện rượu và hai đứa con trai trong The Perks of Being a Wallflower. Một người con không bao giờ đụng vào rượu vì thấy thứ mà rượu đã gây ra cho cha mình. Người con còn lại thì nghiện rượu vì học theo cha. Ta không thể chọn xuất phát điểm, nhưng có thể chọn đích đến.

“So, I guess we are who we are for a lot of reasons. And maybe we’ll never know most of them. But even if we don’t have the power to choose where we come from, we can still choose where we go from there. We can still do things.”

The Perks of Being a Wallflower

Mình có bình thường không?

Come As You Are trả lời những câu hỏi rất bình thường mà cũng rất phổ biến—tại sao chỗ này có màu như vậy, tại sao khô hạn… Những câu hỏi này có cùng một nỗi băn khoăn ẩn sau đó:

Mình vậy vậy có bình thường không?

Câu trả lời là: . Cơ thể của mỗi người đều được tạo ra từ những phần giống nhau, được sắp xếp khác nhau. Không có cái nào giống cái nào, không có một cái chuẩn nào cho cơ thể, mà tất cả đều đẹp, bình thường, hoàn hảo. Đừng để phim ảnh hay truyền thông khiến bạn hiểu lầm rằng có một chuẩn chung—trắng tươi, nhẵn nhụi, gọn gàng, nhấp nhô, phẳng lì—mới là đẹp.

Bạn nên khám phá cơ thể mình bằng cách quan sát nó, học cách yêu thích cơ thể mình và thoải mái với nó, tìm hiểu nó thích gì và không thích gì, thay vì chỉ chăm chăm nhìn vào những điều mình không thích. Nếu có bất thường, hãy đi khám.

Chúng ta đều có thắng và tay ga

Thắng và tay ga

Trong người chúng ta sẽ có hai thứ gọi là thắng và tay ga. Cả hai sẽ bị ảnh hưởng bởi context (tôi sẽ nói thêm về context ở phần dưới).

Khi lái xe, chúng ta sẽ đạp thắng khi có xe ở phía trước, khi đèn đỏ, khi có một người nào đó chạy ẩu vụt qua. Tương tự vậy, thắng trong người bạn sẽ được đạp khi bạn đối diện với những tín hiệu khiến bạn tắt hứng. Ví dụ là nỗi sợ về hậu quả (có bầu, lây bệnh STDs…) hoặc nỗi sợ về phong độ (không orgasm được…).

Nếu đã có đạp thắng thì cũng sẽ có vặn tay ga. Khi gặp một con đường thuận tiện, khi muốn vượt, hay khi phấn khích, ta sẽ vặn ga. Tương tự vậy, tay ga trong người ta sẽ được vặn khi bạn nhận được những tín hiệu khiến mình thấy hỏny. Ví dụ như là partner ân cần, không gian lãng mạn…

Thường những người gặp vấn đề về sex hay không điều khiển được cơ thể theo như ý mình muốn là do đạp thắng hoặc vặn ga không tới/quá mức.

Ai cũng có thắng và tay ga

Mỗi người đều có thắng và tay ga, chỉ khác nhau ở độ nhạy cảm. Độ nhạy sẽ tuỳ thuộc vào tính cách hay ảnh hưởng từ những trải nghiệm cuộc sống. Bạn có thể làm thử bảng câu hỏi trong sách để tìm ra độ nhạy của thắng và tay ga của mình.

Thắng và tay ga sẽ đi song song với nhau và ảnh hưởng đến trải nghiệm sex của bạn. Nếu bạn có tay ga nhạy và thắng lờn thì sẽ khó kìm chế bản thân, dễ có những hành động bột phát, không an toàn (nhiều bạn tình, sex để giảm stress, không dùng biện pháp bảo vệ…). Nếu bạn có thắng nhạy và tay ga không nhạy thì sẽ khó hứng thú với sex hoặc khó orgasm.

Lắng nghe bản thân mình

Khái niệm về thắng và tay ga buộc chúng ta lắng nghe bên trong bản thân mình thay vì tìm kiếm và giải quyết những thứ bề mặt như là tư thế nào, địa điểm nào, chạm chỗ nào, không chạm chỗ nào. Ta sẽ phải nhìn vào tâm lý và cảm xúc của mình, học cách giải quyết những tổn thương quá khứ hoặc tâm lý mà có thể chính ta cũng chưa nhận biết được. Ta sẽ phải học cách yêu chính bản thân mình, cả những đặc điểm bên ngoài ngoại hình và cả bên trong.

Có thể thay đổi độ nhạy thắng và tay ga được không? Cũng còn tuỳ, có thể hoặc không, và chưa ai chứng minh được cái gì có thể khiến chúng thay đổi. Cơ thể bạn cũng không hẳn là một cái xe mà bạn có thể mang ra tiệm sửa ngay được. Thứ mà bạn chắc chắn có thể thay đổi chỉ là context: tạo không gian lãng mạn, đối xử ân cần hơn, dùng biện pháp bảo vệ, giảm stress, v.v.

Thắng và tay ga bị ảnh hưởng bởi context

Context thế nào mới tốt?

Như đã nói ở trên, context là thứ ảnh hưởng đến thắng và tay ga của chúng ta, đặc biệt là các bạn nữ.

Context bao gồm hoàn cảnh hiện tại (bạn đang ở với ai, ở đâu, lạ hay quen, nguy hiểm hay an toàn) và trạng thái não bộ (bạn đang thư giãn hay căng thẳng, bạn có tin tưởng không, có yêu không).

Cũng đã có kha khá nghiên cứu về những yếu tố khiến cho phụ nữ turned on, phổ biến là sự đồng điệu về cảm xúc, sự tin tưởng, ngoại hình, không gian lãng mạn, độ thoải mái với bản thân và partner…

Khi có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến context như vậy, thì việc một yếu tố không theo như mong đợi khiến phụ nữ turned off hoàn toàn là có thể xảy ra. Ví dụ, có nến và hoa, partner thì sexy, mà bà cô đang giận đang quạu, là hiểu ha.

Để tạo một context tốt hơn cho phụ nữ thì có mấy điều chung sau: ít stress, nhiều cảm xúc, và có sự gợi tình rõ ràng không che giấu (phim ảnh, không gian đồ này kia đó).

Sự lệch pha giữa cảm xúc và cơ thể

Phụ nữ bị ảnh hưởng bởi chu kì hormones, hoàn cảnh xã hội và cảm xúc, nên thường bị ảnh hưởng bởi context, dễ lệch pha giữa cảm xúc và phản ứng cơ thể. Sự lệch pha đó trong sách gọi là non-concordance, có thể diễn ra khi bạn rất muốn partner rồi nhưng bị khô hạn, hoặc khi một người nữ bị raped mà họ vẫn wet và có thể orgasm nữa.

Vậy nên nếu có partner thì bạn đừng tự suy diễn rằng partner muốn gì chỉ thông qua những phản ứng cơ thể của họ. Muốn biết, chỉ có thể thông qua giao tiếp.

Thích, mong đợi, và muốn có phải là một?

Thử tưởng tượng bồ bạn (hay một đứa nào đó bạn tự tưởng tượng cũng được) chuẩn bị một không gian rất lãng mạn, nói chuyện rất ngọt ngào. Nhìn vào chắc chắn bạn sẽ biết cái không gian đó và cái điệu bộ đó sẽ dẫn đến điều gì tiếp theo đúng không? Mặc dù thích tất cả những điều đó, nhưng hôm ấy bạn mệt và bực bội trong người thì sao?

Khi nói đến phần não bộ liên quan đến sự vui thích, ham muốn của bạn thì có tới 3 phần:

  • Enjoying: thích (khi ăn ngon, khi yêu ai, khi thắng cuộc…).
  • Expecting: mong đợi, kỳ vọng, liên kết thứ xảy ra ở hiện tại với thứ xảy ra ở tương lai bằng những trải nghiệm trong quá khứ (khi nhìn thấy không gian lãng mạn, bạn sẽ có thể mong đợi điều gì sẽ xảy ra sau đó, do ở quá khứ bạn đã được trải nghiệm nó rồi).
  • Eagerness: đây là chân ga của não bộ, nó sẽ quyết định việc bạn muốn tiếp tục hay dừng lại.

Rắc rối là ở chỗ:

  • Enjoy, not eager: Não bộ có thể thích thứ gì đó nhưng không muốn đi xa hơn. Bạn thích partner và không gian nhưng lúc đó bạn không muốn.
  • Expect the good and the bad: Não bộ có thể biết và mong đợi thứ xảy ra ở hiện tại sẽ dẫn đến điều gì tiếp theo, bằng những trải nghiệm ở quá khứ. Nhưng nếu những thứ ở quá khứ liên kết với một điều gì đó không hay thì thắng sẽ được đạp. Bạn từng bị lạm dụng nên gán sex với một trải nghiệm tồi tệ chẳng hạn.
  • Eager, not enjoy: Não bộ có thể muốn thứ gì đó nhưng bạn lại không thích nó. Cơ thể bạn muốn nhưng lúc đó lại có cảm giác không thích.

Như vậy thì thích, mong đợi, và muốn nhiều khi có sự lệch pha nhau. Có khi thích thì lại không muốn, muốn thì lại không thích, và có khi điều người ta mong đợi là tốt đẹp sẽ lại thành ra tồi tệ.

Mỗi người mỗi khác

Chúng ta ưa chuộng những context khác nhau. Có người chỉ theo đuổi tình một đêm, có người thích mối quan hệ dài lâu, có người thích rất nhiều loại context, cũng có người thích chỉ thích một số ít context thôi.

Như vậy nếu bạn tìm một trải nghiệm tích cực hơn với partner của mình thì cần trao đổi xem hai bên thích gì để tạo context phù hợp nhất. Còn nếu bạn độc thân thì tìm ra trải nghiệm một mình mà bản thân tận hưởng nhất thôi, không có gì là thừa cả.

Nhìn vào bên trong

Nhưng những thứ đề cập ở trên thì mới là những yếu tố bên ngoài thôi, còn bên trong chính bản thân bạn thì sao?

Stress và những insecurities sẽ ảnh hưởng đến cách mà bạn nhìn nhận cơ thể và sex life của bạn. Bạn phải tìm cách để cái chu kì stress đó diễn ra hoàn toàn, chứ không thể giải quyết tạm bợ bằng cách nghỉ ngơi hay thư giãn vài ngày là đủ. Bạn cũng phải tìm cách giải quyết các insecurities để khiến bản thân thấy an toàn hơn nữa.

Đâu có gì mà giấu diếm hay thấy tội lỗi

Come As You Are là quyển sách mà tôi sẽ giới thiệu khi ai đó, đặc biệt là phái nữ, muốn tìm hiểu về cơ thể, bản thân, và sex. Khi nói đến những chủ đề này, người ta hay nói về ngăn ngừa, hậu quả, hay ngại ngùng giấu diếm cái này cái kia, mà ít nói tới chuyện nâng cao sự thoải mái đối với cơ thể mình và đi tìm những trải nghiệm tốt hơn. Cơ thể chúng ta và sex không phải là những thứ cần phải giấu diếm hay tội lỗi.


Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nếu thấy blog hữu ích, bạn có thể ủng hộ bằng ly cà phê qua Momo hoặc Buy me a coffee.

Reference: Nagoski, E. (2021). Come As You Are: Revised and Updated: The Surprising New Science That Will Transform Your Sex Life (Revised, Updated ed.) [E-book]. Simon & Schuster.